Là một trong những quốc gia đi đầu về tiêm vaccine ngừa COVID-19, kể cả tiêm các mũi tăng cường và mũi dành cho trẻ em, từ tháng Tư năm 2021, Israel đã bắt đầu mở cửa nền kinh tế và tìm cách sống chung an toàn với COVID-19.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Tiến sỹ Moshe Ashkenazi, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi thuộc Trung tâm Y tế Sheba, lớn nhất tại Israel, đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tiêm vaccine bổ sung cũng như việc duy trì mở cửa trường học cho học sinh tiếp tục đến trường.
Tiến sỹ Ashkenazi cho biết kể từ Mùa Thu năm ngoái đến nay Israel đã mở cửa trường học trở lại bất chấp làn sóng dịch thứ 4 và thứ 5 bùng phát mạnh mẽ. Hiện Israel là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân nhiễm COVID-19 tính trên dân số.
Lý do Chính phủ Israel quyết định bỏ hình thức học trực tuyến tại nhà là vì nhận thấy trong các làn sóng dịch trước đây, khi trường học phải đóng cửa, rất nhiều em đã bị bệnh, trong đó chủ yếu là các bệnh tâm lý và tâm thần. Nhiều chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, biếng ăn do tâm lý, tự tử… đều tăng từ 300-400%.
[Chậm mở cửa trường học sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ]
Ông nhấn mạnh: “Vì vậy, chúng tôi hiểu rằng đóng cửa trường học là một sai lầm, bởi nó tác động tiêu cực tới trẻ em và chúng tôi nghĩ tới một giải pháp khác nhằm duy trì việc học trực tiếp trên lớp và đảm bảo cho học sinh an toàn và mạnh khỏe.”
Để trường học tiếp tục mở cửa, Israel đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm, nhất là xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà. Hiện 1/4 trẻ em trong độ tuổi 5-11 tại Israel đã được tiêm phòng COVID-19 nên việc mở cửa trường học rất thuận lợi. Tất nhiên quy định đeo khẩu trang vẫn được duy trì, đồng thời các lớp học được chia nhỏ để giãn cách học sinh. Đây là những biện pháp chính giúp học sinh và giáo viên đảm bảo sức khỏe trong thời gian dịch bệnh.
Về tình hình chống dịch COVID-19 ở các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Tiến sỹ Ashkenazi nhận định thế giới hiện nay giống như một ngôi làng. Vì vậy, các quốc gia cần tham khảo lẫn nhau, đặc biệt là kinh nghiệm từ những nước đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và những nước đi đầu về tiêm phòng vaccine và điều trị bệnh nhân. Hiện các nước đang làm điều này rất tốt.
Đối với Việt Nam, Tiến sỹ Ashkenazi cho rằng điều quan trọng là cần duy trì cuộc sống bình thường để sống chung với COVID-19. Các giải pháp cần tập trung vào việc tạo điều kiện cho hoạt động xã hội, đặc biệt là với trẻ em, đối tượng rất cần có một cuộc sống bình thường để đảm bảo sức khỏe tâm lý.
Bên cạnh đó cũng cần duy trì mở cửa kinh tế để không tạo thêm gánh nặng về tài chính cho chính phủ, bằng các giải pháp sống chung an toàn với dịch bệnh. Bởi vì virus SARS-CoV-2 sẽ chưa sớm biến mất. Có thể Omicron sẽ là làn sóng cuối cùng, nhưng cũng có thể còn các đợt dịch khác sẽ xuất hiện trong 3-5 tháng sắp tới, cho dù nhẹ hơn.
Tiến sỹ Ashkenazi đánh giá quá trình tiêm vaccine tại Israel qua các đợt đều mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng. Trong làn sóng Delta và các làn sóng dịch trước đó, người dân chưa được tiêm vaccine nên rất nhiều người đã bị biến chứng nặng và phải nhập viện.
Với làn sóng Omicron tại Israel hiện nay, hay còn gọi là làn sóng thứ 5, có thể việc tiêm vaccine không ngăn ngừa được lây nhiễm từ người này sang người khác, nhưng nó giúp giảm số bệnh nhân phải nhập viện. Có thể thấy đa phần bệnh nhân nhập viện tại Israel là những người chưa được tiêm vaccine.
Nhận định về triển vọng làn sóng dịch thứ 5 hiện nay tại Israel có thể sớm kết thúc hay không, Tiến sỹ Ashkenazi cho rằng hiện tại tỷ lệ tiêm vaccine ở nước này đã khá cao, trong đó trên 660.000 người đã được tiêm mũi 4. Điều này đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm bớt số bệnh nhân phải nhập viện thấp hơn 3-5 lần trong độ tuổi trên 60. Đồng thời, mũi bổ sung cũng giúp giảm tình trạng lây nhiễm gấp đôi so với mũi 3. Vì vậy, mũi vaccine bổ sung đã tạo ra các hiệu quả cộng dồn.
Chính phủ Israel đang khuyến khích người dân đi tiêm và đã áp dụng tiêm bổ sung mũi 4 với nhóm tuổi từ 18 trở lên nếu cần thiết.
Trước mỗi quyết định được đưa ra liên quan đến thuốc điều trị và tiêm phòng COVID-19, Israel đều tính đến các lợi ích và hậu quả có thể xảy ra.
Tiến sỹ Ashkenazi nói: “Các nghiên cứu cho thấy tác dụng phụ của liều vaccine thứ 4 là rất thấp, trong khi hiệu quả đã được chứng minh là tốt. Tôi cho rằng liều bổ sung này là cần thiết, và có thể lúc nào đó cũng cần đến mũi thứ 5."
Trong tuần qua làn sóng dịch COVID-19 tại Israel tiếp tục dâng cao, trung bình 80.000 ca mới/ngày. Thậm chí một số chuyên gia ước tính con số trên thực tế có thể vượt 100.000 ca/ngày do nhiều người tự xét nghiệm tại nhà.
Với tình trạng lây nhiễm rất cao do biến thể Omicron, Tiến sỹ Ashkenazi không loại trừ Israel đang tiến tới tình trạng miễn dịch cộng đồng.
Ông dự đoán: “Trong tuần qua mỗi ngày có thêm hơn 80.000 ca nhiễm mới trong tổng số dân trên 9 triệu người, đó là một tỷ lệ rất cao. Với tỷ lệ này, tôi cho rằng trong vài ba tuần nữa chúng tôi sẽ bắt đầu nhìn thấy những dấu hiệu miễn dịch cộng đồng”./.