Việc Triều Tiên dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon là "bước đi tiếp theo cốt yếu nhất" trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Đây là nhận định của giáo sư Siegfried Hecker tại Đại học Stanford của Mỹ, qua đó phản bác lập luận cho rằng nhà máy Yongbyon đã quá cũ để coi việc đóng cửa tổ hợp này là một nhượng bộ lớn của Bình Nhưỡng.
Theo hãng thông tấn Yonhap, phát biểu tại hội nghị chuyên đề diễn ra ở Seoul, giáo sư Hecker nhấn mạnh mặc dù dỡ bỏ tổ hợp Yongbyon không chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng sẽ hạn chế "đáng kể" năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.
[Ngoại trưởng Mỹ hy vọng sớm nối lại đàm phán với Triều Tiên]
Tổ hợp Yongbyon là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên. Một số ý kiến cho rằng cơ sở vật chất tại tổ hợp Yongbyon đã quá cũ kỹ nên xem nhẹ đề xuất của Bình Nhưỡng dỡ bỏ cơ sở hạt nhân này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hecker, nếu theo dõi có thể nhận thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục xây dựng các tòa nhà mới, các đập dưới sông, nâng cấp hệ thống làm mát tại địa điểm này, và các hoạt động tại đây vẫn diễn ra không ngừng.
Giáo sư Hecker khẳng định sơ sở này vẫn được phát triển và hoạt động. Vì vậy, việc đóng cửa toàn bộ tổ hợp này là một bước đi lớn đối với Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Mỹ cũng ước đoán Triều Tiên có tới 37 thiết bị hạt nhân, cao hơn con số 35 được đưa ra hồi tháng Tư. Ông cũng cho rằng Triều Tiên đã tăng lượng urani làm giàu cấp độ cao từ khoảng 400-650kg lên tới 700kg trong cùng khoảng thời gian nêu trên, song lưu ý rằng con số ước đoán này "không chắc chắn."
Giáo sư Siegfried Hecker được đánh giá là chuyên gia hàng đầu về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và đã từng trực tiếp chứng kiến cơ sở làm giàu urani của quốc gia này trong chuyến thăm tổ hợp Yongbyon năm 2010./.