Chuyên gia: Mỹ rút quân sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình Afghanistan

Các nhà phân tích tại Kabul phần lớn cho rằng việc rút các lực lượng Mỹ sẽ củng cố các cuộc thương lượng hòa bình với Taliban và thúc đẩy tiến trình hòa bình đang diễn ra.
Chuyên gia: Mỹ rút quân sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình Afghanistan ảnh 1Binh sỹ Mỹ tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo THX, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ra lệnh rút tới 7.000 trong tổng số 14.000 binh sỹ của nước này khỏi Afghanistan, trong khuôn khổ một kế hoạch nhằm làm cho các lực lượng Afghanistan tự tin hơn vào sức mạnh của chính họ.

Các nhà phân tích tại Kabul phần lớn cho rằng việc rút các lực lượng Mỹ, một điều kiện tiên quyết mà các đại diện phiến quân Taliban đưa ra trong các cuộc đàm phán tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sẽ củng cố các cuộc thương lượng hòa bình với Taliban và thúc đẩy tiến trình hòa bình đang diễn ra.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad gặp đại diện Taliban tại UAE từ ngày 18-19/12.

Các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ đã kết thúc sứ mệnh tác chiến tại Afghanistan cuối năm 2014, sau 13 năm hiện diện quân sự ở quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, kể từ đó khoảng 16.000 binh sỹ nước ngoài vẫn duy trì tại Afghanistan để giúp các lực lượng sở tại trong công tác huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ cuộc chiến chống các phần tử nổi dậy.

[Việc Mỹ rút quân sẽ không ảnh hưởng an ninh Afghanistan]

Tổng biên tập nhật báo The Kabul Times Hamidullah Arefi nhận định: "Việc rút binh sỹ Mỹ khỏi Afghanistan tạo ra tác động tương đối tiêu cực về an ninh trong ngắn hạn, song về lâu dài, điều này có lợi cho tiến trình hòa bình và khuyến khích Taliban hy vọng vào những cam kết hòa bình của Mỹ."

Trong khi đó, cố vấn cho Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, ông Fazel Fazly nhấn mạnh, việc Mỹ rút quân sẽ không ảnh hưởng đến tình hình an ninh ở quốc gia Nam Á này.

Trên trang Twitter, ông viết: "Vài nghìn binh sỹ nước ngoài làm cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ sẽ không ảnh hưởng đến an ninh của chúng tôi, trong 4 năm rưỡi qua an ninh của chúng tôi hoàn toàn nằm trong tay người Afghanistan và mục tiêu cuối cùng là Các lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan sẽ tự bảo vệ lãnh thổ của chính họ."

Tổng thống Ghani và các quan chức Afghanistan đã nhiều lần đề nghị hòa đàm với Taliban. Tuy nhiên, nhóm phiến quân này dứt khoát từ chối, cho rằng sẽ không có đàm phán cho đến khi các binh sỹ nước ngoài rời khỏi quốc gia Nam Á này.

Taliban cũng từ chối tổ chức đàm phán với phái đoàn hòa bình của Chính phủ Afghanistan vừa đến UAE trong tuần này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.