Dưới “áp lực” của Quốc hội, từ năm 2013, Bộ Công Thương đã quyết định loại hơn 400 dự án thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều dự án yếu kém tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng vẫn được triển khai, bất chấp việc thủy điện gây mất rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước phát triển nông nghiệp.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về thực trạng nêu trên, Giáo sư Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng trong chiến lược phát triển, sai lầm lớn nhất là phát triển thủy điện nhỏ. Vì thế, việc xử lý thời hạn chấm dứt hoạt động các thủy điện này cần được Nhà nước kiên quyết, không vì…“lợi ích nhóm.”
Sai lầm từ khâu quy hoạch?
- Thưa giáo sư, những năm gần đây, trên cả nước đang có nhiều tranh cãi về sự an toàn của các đập nước thủy điện, đặc biệt là các đập thủy điện nhỏ. Xin Giáo sư cho biết, lợi ích của việc tạo ra năng lượng từ sức nước có đủ biện minh cho việc ngăn sông xây các đập thủy điện có thể gây hại cho con người và môi trường?
Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Trên thế giới những thủy điện nhỏ, công suất vài MW, chỉ phục vụ cho một số hộ gia đình ở nơi xa nguồn điện và ít gây ảnh hưởng tới nông nghiệp. Tuy nhiên đối với Việt Nam, những thủy điện nhỏ đó, đều được đưa vào chiến lược phát triển thủy điện, với tham vọng chỉ trong vòng hai thập kỷ sẽ giải quyết xong nguồn năng lượng này.
Ngay từ lúc triển khai, cao điểm nhất vào những năm đầu thế kỷ 21, hàng nghìn dự án thủy điện được xem xét, phê duyệt, thiết kế, thi công, trên hàng nghìn sông suối. Nhiều dự án chỉ mới nằm ở giai đoạn quy hoạch, song đã được chuẩn bị xây dựng, như chặt phá rừng để làm đường vào, thu hồi đất nông nghiệp, tổ chức di dân...
Cuộc sống yên bình của người dân bị đảo lộn. Nhiều nhà khoa học cùng với chính quyền địa phương phải lên tiếng, đề nghị Quốc hội xem xét. Trên cơ sở đó, năm 2013, Chính phủ đã trình lên một danh sách để loại khỏi quy hoạch những thủy điện nhỏ (ảnh hưởng rừng đặc dụng và mỏ đất hiếm, chiếm nhiều đất nông nghiệp, không có nhà đầu tư), với số lượng khoảng trên 400 dự án, mà hầu hết có công suất dưới 5 MW.
[“Vỡ trận quy hoạch" thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc]
Thực ra, nếu so sánh lượng điện năng của hàng nghìn thủy điện nhỏ đóng góp trong một năm cũng chỉ bằng một thủy điện loại vừa như Sê San 3 (sông Sê San) có công suất 259MW, bởi số giờ chạy máy trong một năm của các thủy điện nhỏ rất thấp.
Rõ ràng lượng điện năng của thủy điện nhỏ đóng góp vào mạng lưới quốc gia không đáng kể (khoảng 10%), trong khi phải mất đi hàng vạn hecta rừng, hàng triệu mảnh đất nông nghiệp. Và, đặc biệt là mất đi những dòng suối, nguồn sống của những người dân vùng xã xôi hẻo lánh, chỉ biết dựa vào nông nghiệp để sống.
Nguồn điện mà người dân được hứa hẹn, đâu có dễ dàng được hưởng, bởi làm gì có trạm biến áp, có các đường dây, được các chủ nhà máy đầu tư cho một số ít hộ dân. Người dân chỉ biết trông chờ vào chính sách của Nhà nước.
Trong thực tế, chúng ta đã có bài học về thủy điện nhỏ ngay từ những năm 70 của thế kỷ 20. Thủy điện Cấm Sơn (sông Hoá - Lạng Sơn) có công suất 4,8MW, được xây dựng từ năm 1966, cho đến năm 1980 đã bị tháo dỡ (nay được lắp lại bằng nguồn vốn cổ phần), vì không hiệu quả do nguồn nước của hồ chứa được ưu tiên cho việc tưới nông nghiệp.
- Như giáo sư chia sẻ, thì rõ ràng thủy điện gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới rừng, nguồn nước phục vụ nông nghiệp và sinh kế của người dân, vậy tại sao Nhà nước vẫn ưu tiên đưa thủy điện nhỏ vào quy hoạch phát triển năng lượng?
Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Dưới khẩu hiệu “xã hội hoá đầu tư” thủy điện đã được đưa ra, với nhiều quy trình thủ tục đơn giản hỗ trợ, miễn làm sao có đăng ký đầu tư. Nước ta đang “đói điện, đói vốn,” nên việc làm này, dường như thổi một làn gió mới vào việc xây dựng thủy điện.
Thực ra, sự sai lầm lớn nhất ở đây từ phía quản lý nhà nước là, quan niệm xây dựng một nhà máy thủy điện loại nhỏ giống như xây dựng một nhà máy “làm bánh kẹo.” Các nhà quản lý có biết đâu, xây dựng thủy điện là một chuyên ngành kỹ thuật phức tạp hơn cả xây dựng thủy lợi.
Vì sao? Thứ nhất, về mặt công trình xây dựng, thì hồ chứa thủy điện phải có 2 tuyến. Tuyến thứ nhất được gọi là tuyến áp lực (giống như xây dựng hồ chứa thủy lợi), đó là các công trình đầu mối như đập dâng nước, công trình tràn, cống xả nước, bụng chứa nước; tuyến thứ hai được gọi là tuyến năng lượng, gồm gian đặt máy phát điện và phụ kiện và hầm chứa tuốc bin, cùng với hệ thống phân phối điện ngoài trời.
Thứ hai, về quản lý vận hành, rất khó điều hoà nguồn nước trong hồ chứa khi có nhu cầu khác nhau về phát điện và nước tưới. Đây là mấu chốt cho mục tiêu quy hoạch thủy điện. Nếu nước cho tưới cần nhiều, thì không còn nước để phát điện.
Bài học thủy điện Cấm Sơn nêu trên đã buộc nhà nước phải tháo bỏ thủy điện, vì không hiệu quả. Chính vì vậy, ngay từ khâu quy hoạch phải giải bài toán tối ưu cho việc xây dựng thủy điện. Đó cũng là lý do chúng ta đã phải loại bỏ bao nhiêu thủy điện nhỏ, với sự tổn thất tài sản của quốc gia rất lớn.
Sự tồn tại “có vấn đề”!
- Theo quy định của Nghị định 112/2008/NĐ-CP thì các đập dâng thủy điện khi tích và điều tiết nước đều phải xả trả lại sông lượng dòng chảy tối thiểu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định nào về xử phạt thủy điện vi phạm việc tích-xả nước này. Liệu đây có phải là “lỗ hổng” dẫn đến việc một số thủy điện ngang nhiên tích-xả nước trái quy định?
Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Hiện nay Nhà nước vẫn chưa ban hành được quy chuẩn kỹ thuật thủy điện. Lý do cũng từ đặc điểm sử dụng tổng hợp hồ chứa thủy điện chưa được giải quyết. Nếu bây giờ Nhà nước cho kiểm tra tất cả các công trình thủy điện, sẽ thấy các chủ đầu tư đã không đầu tư thiết kế các cống xả.
Điển hình là thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam), không có cống xả nên không thể tháo cạn hồ để sửa chữa, phải thuê thợ lặn từ Trung Quốc sang thi công. Những mùa khô hạn ở miền Trung, khi cần lấy nước tưới, nước sinh hoạt cho hạ lưu thì nhà máy phải xả qua tổ máy, tức là phát điện.
Nếu thời điểm đó không thuộc giờ phát điện có hiệu quả, thì nhà máy sẽ không xả nước. Báo chí đã nêu nhiều trường hợp “vô lý” này. Gần đây Thủ tướng Chính phủ đã cho điều chỉnh quy trình vận hành của một số nhà máy thủy điện lớn theo yêu cầu xả nước ở hạ lưu.
[Bài 5: Đừng đánh đổi tài nguyên lấy thủy điện vì lợi ích nhỏ]
Điều 53, hồ chứa và khai thác sử dụng nước hồ chứa trong Luật Tài nguyên nước, điểm 2, về dự án xây dựng hồ chứa, phần b có nêu: “…sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu…”. Phần này của Luật đã bị vô hiệu hoá, bởi tất cả các hồ chứa thủy điện loại nhỏ đều không có cống xả riêng để cấp nước cho cộng đồng hạ lưu.
Chúng ta đã từng nghe lãnh đạo một tỉnh Miền Trung báo cáo với Thủ tướng về việc thay một dự án thủy điện bằng một dự án hồ chứa thủy lợi. Đó là chưa kể, nhiều nông dân kêu ca việc xả nước của thủy điện không giúp gì cho việc tưới. Ban ngày họ ra ruộng thì không nhận được nước tưới từ hồ chứa, song vào lúc tối, tức là giờ “cao điểm” sử dụng điện thì lại có nước xả về. Đây chính là biểu hiện mâu thuẫn giữa sự phát triển thủy điện nhỏ với phát triển nông nghiệp.
- Qua thực tế này, theo giáo sư thì Bộ ngành liên quan và các địa phương cần phải có giải pháp như thế nào để có thể “gỡ” được hậu quả từ việc đầu tư thủy điện tràn lan, tàn phá môi trường, đời sống người dân hiện nay?
Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Hệ thống thủy điện nhỏ cơ bản đã xây dựng xong, chỉ còn ít dự án nữa. Chúng ta không thể nào xoá bỏ ngay được, như nước Mỹ, hiện đang dỡ bỏ những công trình thủy điện hạng vừa, để trả lại dòng chảy cho cộng đồng dân cư. Đối với Việt Nam, thời điểm đó còn… xa vời.
Vậy rõ ràng chúng ta phải xử lý tình thế theo hướng giảm phát triển một số mặt hàng nông nghiệp, như gạo, cà phê (mặt hàng tiêu tốn nhiều nước), như Bộ Nông nghiệp đã đề nghị. Lộ trình cần được vạch ra, trong đó quan trọng là thời hạn chấm dứt các thủy điện nhỏ là năm nào? Điều này nên tôn trọng các ý kiến của địa phương.
Ví dụ, như đối với các tỉnh có hoàn cảnh khó khăn nhiều như Cao Bằng, Hà Giang, nên được ưu tiên xem xét chấm dứt sớm, bởi nguồn nước rất ít, ruộng lại nằm rải rác trong các thung lũng, và thu nhập của người dân còn rất thấp. Họ lại nằm ở những biên giới của Tổ quốc. Sự thu hút về cuộc sống làm thuê ở bên kia biên giới là một thực trạng, mà chúng ta phải nhận thức được.
Mặt khác, chúng ta cần có cơ chế 50/50 để thoả thuận trong việc giải quyết những thiệt hại phía chủ đầu tư, bằng nhiều giải pháp như ưu tiên giá điện, kéo dài thời gian trả nợ.
Chủ trương phát triển thủy điện nhỏ với phương châm “xã hội hoá” đã gây ra hậu quả xấu cho xã hội, cho ngành nông nghiệp. Vì thế, việc xử lý thời hạn chấm dứt hoạt động các thủy điện đó cần được nhà nước kiên quyết, không vì “lợi ích nhóm.” Khoa học, công nghệ ngày nay cho phép ta sử dụng các loại năng lượng khác, đủ điều kiện để thay thế các thủy điện nhỏ./.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!