Theo Sputnik, người đứng đầu trường nghiên cứu Trường Nghiên cứu Phương Đông thuộc Đại học Kinh tế Nga, ông Alexei Maslov, cho biết Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan, đó là duy trì các liên lạc quân sự với Triều Tiên, với việc tuân thủ chặt chẽ các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Trả lời hãng tin RT, ông Maslov nói: "Đây không chỉ là việc cắt đứt các mối liên lạc song phương, mà còn là tuân thủ các yêu cầu mà Liên hợp quốc đưa ra."
Theo chuyên gia Maslov, mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc là thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại một chiếc ô hạt nhân, tuy nhiên đề nghị này đã bị từ chối. Ông Maslov nhận định bằng cách cắt đứt các liên lạc quân sự, Trung Quốc muốn gửi tín hiệu rằng nước này không muốn là một con tin trong chính sách leo thang căng thẳng khu vực của Triều Tiên.
[Trung Quốc khẳng định không có liên lạc quân sự với Triều Tiên]
Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á thuộc Học viện Khoa học Nga, ông Georgy Toloraya, việc Trung Quốc quyết định ngừng liên lạc quân sự với Triều Tiên có thể được xem là một sự đồng thuận với Mỹ.
Ông cho rằng: "Triều Tiên đang bị dồn vào chân tường, họ cảm thấy bị cô lập. Điều này có thể nguy hiểm."
Ông Toloraya nhận xét quyết định này đã cho thấy một mức độ căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, khi Bắc Kinh xem chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là một mối đe dọa.
Hôm 9/7, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Channel News Asia, Giám đốc Trung tâm hợp tác an ninh quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đại tá Zhou Bo khẳng định Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện không duy trì bất cứ liên lạc nào với quân đội Triều Tiên; đồng thời lưu ý Bình Nhưỡng muốn tổ chức đàm phán trực tiếp với Mỹ và Trung Quốc đang giúp xúc tiến cuộc đối thoại này./.