Nhận định về nội dung thu hút sự chú ý tại Đối thoại Shangrila 2017 sắp diễn ra tại Singapore từ ngày 2-4/6, Tiến sỹ Tang Siew Mun, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện nghiên cứu Đông Nam Á-ISEAS, Singapore, cho rằng Biển Đông sẽ tiếp tục là chủ đề nóng tại Đối thoại lần này.
Tiến sỹ Tang Siew Mun cho rằng mặc dù những căng thẳng tại Biển Đông trong 6 tháng qua đã giảm nhưng những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định tại đây vẫn tồn tại.
Khu vực Đông Nam Á hiện vẫn lo ngại về việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại các thực thể do nước này bồi lấp trái phép tại Biển Đông.
Bên cạnh đó, việc tàu khu trục USS Dewey của Hải quân Mỹ hôm 24/5 đã tiến vào phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (hiện do Trung Quốc kiểm soát phi pháp) và việc Trung Quốc điều máy bay chiến đấu chặn máy bay trinh sát P-3C Orion của Mỹ trên không phận quốc tế tại Biển Đông hôm 25/5 sẽ làm nảy sinh tranh cãi giữa hai nước tại Đối thoại lần này.
[Đối thoại Shangri-La: Duy trì an ninh khu vực dựa trên luật lệ quốc tế]
Đề cập đến việc Trung Quốc và ASEAN vừa hoàn thành bộ khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tiến sỹ Tang cho rằng đây là bước đi đầu tiên thể hiện sự thiện chí trong giải quyết những tranh cãi, bất đồng giữa hai bên tại Biển Đông.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đóng góp của bộ khung này trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực là không đáng kể do nó không có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với cách hành xử hiện nay của Bắc Kinh.
Nhận định về vai trò của Việt Nam tại Đối thoại Shangrila cũng như trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực, tiến sỹ Tang cho rằng Việt Nam sẽ có những đóng góp to lớn cho hòa bình và an ninh tại khu vực nếu thẳng thắn và cởi mở trình bày những quan điểm an ninh của mình.
Nếu Việt Nam im lặng trước những quan ngại về tình hình an ninh khu vực sẽ gửi đi một tín hiệu rằng Việt Nam hài lòng với tình hình hiện nay./.