Chuyên gia phân tích hệ thống vũ khí mới của Triều Tiên

Theo các chuyên gia, hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ siêu lớn mà Triều Tiên tuyên bố thử thành công hôm 31/10 sẽ trở thành một trong những khí tài chủ chốt của Bình Nhưỡng nhằm vào Hàn Quốc.
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên tại bờ biển phía Đông nước này ngày 10/8/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên tại bờ biển phía Đông nước này ngày 10/8/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Yonhap đưa tin, các chuyên gia ngày 1/11 nhận định, vụ thử nghiệm hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ siêu lớn hôm 31/10 của Triều Tiên rõ ràng đánh dấu việc nước này hoàn tất chương trình phát triển một vũ khí chiến thuật tầm ngắn nữa, có khả năng gây khó khăn hơn cho các năng lực phòng thủ tên lửa và hỏa tiễn của Hàn Quốc.

Triều Tiên đã khai hỏa hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ siêu lớn từ thành phố Sunchon ở miền Tây nước này hướng ra Biển Nhật Bản trong lần thử thứ 3 đối với hệ thống này trong khoảng 2 tháng.

Bình Nhưỡng tuyên bố vụ thử thành công.

Theo các chuyên gia, hệ thống phóng siêu lớn này là vũ khí tầm ngắn thứ 4 mà Triều Tiên phô trương trong một loạt vụ bắn thử trong năm nay.

Hệ thống này được cho là sẽ trở thành một trong những khí tài chủ chốt của Bình Nhưỡng nhằm vào Hàn Quốc.

[KCNA: Triều Tiên thử thành công hệ thống phóng rocket cỡ siêu lớn]

Shin Jong-woo, nhà phân tích tại Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul nói: "Vụ thử tuần này dường như nhằm xác định những khả năng vận hành phóng thử của hệ thống mới này, và lần này Triều Tiên trên thực tế đã rút ngăn được đáng kể thời gian bắn."

Kim Dong-yup, giáo sư Viện Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam nhận định, sau vụ phóng thử thành công này, Triều Tiên sẽ tìm cách đưa hệ thống này vào hoạt động trong tương lai gần.

Chuyên gia tên lửa Kwon Yong-soo lại nhấn mạnh: "Các hệ thống phóng đa nòng như vậy sẽ rất hữu ích cho Triều Tiên do nó có thể thực hiện thành công nhiều vụ phóng trong một khoảng thời gian ngắn mà khó có thể bị phát hiện và đánh chặn... Triều Tiên có thể thay thế các tên lửa đạn đạo tầm ngắn loại Scud bằng các hệ thống phóng đa nòng để đảm bảo cách thức tấn công tốn ít kinh phí hơn song lại dễ dàng quản lý và có sức công phá như tên lửa"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.