Các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng đang cản trở các tổ chức nhân đạo hoạt động tại Triều Tiên và đã tới lúc cần phải nới lỏng các lệnh trừng phạt này để tạo điều kiện cho những người dân Triều Tiên đang gặp khó khăn kinh tế được trợ giúp kịp thời.
Đây là thông điệp được đưa ra tại buổi thuyết trình về hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên do Viện nghiên cứu Korea Society tổ chức ngày 25/4, ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 này.
Diễn giả chính của buổi thuyết trình, bà Katharina Zellweger, chuyên gia thỉnh giảng của Trung tâm Hợp tác An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Stanford, cho biết các biện pháp bao vây trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng đang cản trở các tổ chức nhân đạo hoạt động tại Triều Tiên, ảnh hưởng tới người dân Triều Tiên.
Những khó khăn trong việc tiếp nhận hàng hóa, trong đó có thiết bị y tế, và trong việc chuyển tiền để rót kinh phí cho các chương trình tài trợ, đang tác động trực tiếp tới vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe của người dân Triều Tiên.
[G7 kêu gọi kiểm soát các hoạt động tài chính trái phép của Triều Tiên]
Ước tính hiện có tới 70% dân số Triều Tiên bị xếp vào diện không được đảm bảo đủ lương thực. Các lệnh trừng phạt cũng làm tăng mức độ mất an ninh lương thực cũng như nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Chuyên gia Katharina Zellweger cho biết Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đều có hoạt động tại Triều Tiên. Ngoài ra, một số cơ quan nhân đạo đặt trụ sở tại Mỹ và một số nước khác cung cấp lương thực, thuốc men và trợ giúp nông sản cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo bà Zellweger , các đợt trừng phạt đa phương và trực tiếp từ Mỹ đã khiến một số cơ quan phải rút hoạt động khỏi Triều Tiên do gặp quá nhiều trở ngại.
Bà Zellweger, người đã tham gia gần 20 chuyến đi viện trợ nhân đạo tới Bình Nhưỡng, cũng cho biết nền kinh tế Triều Tiên mạnh hơn những gì mà truyền thông phương Tây tuyên truyền. Các cuộc cải cách theo định hướng thị trường mà Bình Nhưỡng đang thực hiện trao cho các nông trại và nhà máy quyền tự chủ nhiều hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động thị trường phát triển. Nhờ đó tầng lớp trung lưu gồm các doanh nghiệp trẻ xuất hiện và ngày càng phát triển. Mặc dù vậy, các lệnh trừng phạt quốc tế đang cản trở đà cải tổ và phát triển kinh tế.
Tại cuộc thuyết trình, nhiều khán giả, trong đó có cả đại diện của Ủy ban theo dõi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc, đều nêu ý kiến bày tỏ quan ngại trước những tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên đối với hoạt động cứu trợ nhân đạo cho nước này, và nhấn mạnh đã tới lúc cần phải chấm dứt việc biến những người dân vô tội thành nạn nhân của các lệnh trừng phạt quốc tế./.