Chuyên gia quốc tế: Không dễ để Trung Quốc chia rẽ ASEAN

Nhận thấy cách tiếp cận thống nhất của ASEAN với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có thể tạo ra một áp lực đáng kể đối với nước này, Trung Quốc đã dựng lên cái bẫy đầy quỷ quyệt để chia rẽ các nước.
Chuyên gia quốc tế: Không dễ để Trung Quốc chia rẽ ASEAN ảnh 1Trung Quốc luôn trì hoãn việc hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC). (Nguồn: aseanbriefing.com)

Tiến sỹ SD Pradhan, Nguyên Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, đã có bài viết phân tích về quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Một trong những mục tiêu trong vài năm trở lại đây của Trung Quốc là giữ cho ASEAN bị chia rẽ về các vấn đề liên quan đến tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ ở Biển Đông (SCS) và các hoạt động liên quan đến việc thay đổi các thực thể địa lý tại khu vực, quân sự hóa, xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, cưỡng ép, sử dụng vũ lực để đánh chìm tàu thuyền của các nước và trì hoãn việc hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC).

Trước đây, Bắc Kinh đã bác bỏ các cuộc thảo luận về yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lập luận rằng vấn đề này mang tính song phương và do đó, diễn đàn đa phương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam (ASEAN) không phải là diễn đàn thích hợp để thảo luận vấn đề tranh chấp về các yêu sách mâu thuẫn nhau.

Đồng thời, nhận thấy cách tiếp cận thống nhất giữa các nước đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có thể tạo ra một áp lực đáng kể đối với nước này, Trung Quốc đã dựng lên cái bẫy đầy quỷ quyệt để ASEAN bị chia rẽ.

Hai ví dụ rõ ràng cho thấy kế hoạch của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

Lần đầu tiên vào năm 2012 khi Campuchia đóng vai trò chủ tịch của ASEAN. Hội nghị ASEAN khi đó đã không có một tuyên bố chung nào được đưa ra liên quan đến việc chỉ trích Trung Quốc.

[Những thách thức lớn đối với khu vực ASEAN trong năm 2021]

Kể từ đó, trong các tuyên bố của Chủ tịch thay vì cách tiếp cận chung, các thuật ngữ như “một số nhà lãnh đạo” và “một số bộ trưởng” đã được sử dụng thay cho “các nhà lãnh đạo” và “các bộ trưởng” để bày tỏ lo ngại về các hành vi của Trung Quốc.

Thứ hai, vào năm 2016, sau khi Philippines thắng kiện trong PCA, một khoản viện trợ tài chính khổng lồ đã được hứa hẹn dành cho Manila khi nước này có Tổng thống mới. Một phán quyết quan trọng dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982 đã bị gác lại.

Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, một số diễn biến cho thấy Trung Quốc sẽ rất khó chia rẽ ASEAN trong giai đoạn tới.

Đầu tiên, vào tháng Sáu năm ngoái, sau khoảng thời gian vài năm dưới vai trò chủ trì của Việt Nam, một Thông cáo chung đã được ban hành chỉ ra rằng UNCLOS 1982 phải là cơ sở để xác định các quyền hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển và đồng thời nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, đồng thời tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình."

Điều này không chỉ cho thấy cam kết ngày càng lớn của ASEAN trong hệ thống dựa trên luật lệ vì hòa bình và ổn định, đồng thời phản đối các hành vi gây hấn mà còn cho thấy một ban lãnh đạo vững mạnh như của Việt Nam có thể vô hiệu hóa các âm mưu chia rẽ ASEAN của Trung Quốc.

Thứ hai, vào năm 2020, Việt Nam đã tiếp cận Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) để thực hiện Phán quyết PCA năm 2016 trong bối cảnh sự hung hăng của Trung Quốc vẫn tiếp tục không suy giảm. Tiếp theo sau Việt Nam là Indonesia và Malaysia.

Sau đó, Philippines cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thực hiện phán quyết. Điều này đã củng cố vị thế của Việt Nam với tư cách là nhân tố lãnh đạo ASEAN.

Dù Việt Nam có đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN hay không thì Việt Nam vẫn là nhà lãnh đạo trên thực tế của ASEAN.

Hiện nay, Việt Nam cũng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đang được các cường quốc bên ngoài hỗ trợ trong nỗ lực này.

Việt Nam và Ấn Độ, hai nước tham gia Hội đồng Bảo an năm nay với tư cách là Thành viên không thường trực, đã thảo luận về vấn đề phối hợp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thứ ba, với việc hiện thực hóa của Bộ tứ, ASEAN sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn hơn để đối phó với sự gian trá của Trung Quốc.

Bộ tứ muốn ASEAN coi toàn bộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một thực thể địa lý chịu sự điều chỉnh của luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Tuyên bố chung đã thể hiện hơn nữa “sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Biển Đông là trọng tâm của Bộ tứ và phản đối sự ép buộc - một thuật ngữ được sử dụng ám chỉ sự hiếu chiến của Trung Quốc.

Chuyên gia quốc tế: Không dễ để Trung Quốc chia rẽ ASEAN ảnh 2Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép. (Nguồn: Reuters)

Các cường quốc khác cũng đang hỗ trợ Bộ tứ và trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ có mức hỗ trợ lớn hơn cho việc thực thi Phán quyết PCA năm 2016, vốn bị Trung Quốc bác bỏ và qua đó cho thấy sự trùng lặp trong quan điểm các nước lớn.

Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ là một điểm phản ánh trong câu chuyện về trật tự thế giới.

Mặc dù các nhà lãnh đạo đã tuyên bố không chống lại bất kỳ quốc gia nào, nó chắc chắn là chống lại các hoạt động trái với luật pháp quốc tế.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do, Mở và Hòa nhập dựa trên chủ nghĩa đa phương về địa-chính trị với sự hợp tác của tất cả các bên liên quan và không có quyền lực bá quyền. Thủ tướng Modi gọi đó là "lực lượng vì sự ổn định và tốt đẹp toàn cầu."

Thứ tư, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đi xuống trong giai đoạn tới. Trong thời kỳ đại dịch, tâm lý chống Trung Quốc đã tăng lên đáng kể và một số công ty sản xuất đã chuyển ra ngoài hoặc chuyển đi.

Bên cạnh đó, có những vấn đề khác khiến Trung Quốc không hấp dẫn với tư cách là một trung tâm kinh doanh như môi trường pháp lý luôn thay đổi, sự can thiệp của quan liêu và hành chính, thiếu minh bạch, bảo vệ quyền trí tuệ yếu, dân số già, quản lý cấp trung kém phát triển và không đủ số lượng lao động có trình độ... những nỗ lực nhằm đảm bảo nâng cao tiêu dùng trong nội bộ khó có thể mang lại kết quả như mong muốn do có sự chênh lệch lớn về phát triển kinh tế giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Các dự án BRI đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào các quốc gia của BRI là khoảng 47 tỷ USD vào năm 2020, ít hơn khoảng 54% so với năm 2019. Điều này sẽ làm giảm khả năng Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để cưỡng bức.

Thứ năm, trong khi Nga và Trung Quốc cùng chống lại Mỹ, họ có những lợi ích khác nhau. Nga tuân theo chính sách của riêng mình. Nga đã không đồng ý yêu cầu của Trung Quốc ngừng cung cấp vũ khí bao gồm tên lửa S-400 cho Ấn Độ. Trung Quốc cũng không hỏi ý kiến Nga về các hoạt động hiếu chiến của họ ở Biển Đông.

Cho đến nay, lợi ích kinh tế của Nga ở Biển Đông còn hạn chế nhưng trong giai đoạn tới, lợi ích của nước này có thể sẽ tăng lên đáng kể. Nga đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là với Việt Nam. Nga đã hứa cung cấp quân sự cho Việt Nam.

Rosneft của Nga, đối tác với ONGC Videsh của Ấn Độ, đã và đang thăm dò lô dầu ở EEZ của Việt Nam. Nó cũng có thể di chuyển đến EEZ của Philippines. Nga quan tâm đến việc giữ an toàn cho Hành lang Hàng hải Vladivostok-Chennai (VCMC) được đề xuất đi qua Biển Đông.

Biên bản ghi nhớ đã được ký kết vào tháng 9/2019 trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Vladivostok, chính thức hóa các kế hoạch xây dựng hành lang này.

Hiện tại, Ấn Độ và Nga được kết nối thông qua tuyến vận tải Mumbai-St Petersburg, nhưng VCMC sẽ cắt giảm một nửa khoảng cách đó, tiết kiệm đáng kể chi phí kinh tế.

Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường này, sẽ được thảo luận trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin tới Ấn Độ.

Điều này có khả năng không chỉ thiết lập lại tuyến đường thương mại Ấn-Nga mà còn có thể tác động xấu đến triển vọng của Con đường Tơ lụa Trung Quốc. Sự quan tâm kinh tế gia tăng ở Biển Đông của Nga sẽ không tạo ra bất ổn trong khu vực.

Do đó, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chia rẽ ASEAN sẽ phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng, mặc dù Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực chia rẽ các nước ASEAN bằng chính sách ngoại giao nợ của mình.

Do đó, các nước ASEAN nên chuẩn bị sẵn sàng để chống lại những thiết kế nham hiểm như vậy của Rồng bằng cách đảm bảo sự thống nhất của họ và phối hợp nỗ lực của họ với các cường quốc khác. Hiện đã có một cơ chế được thể chế hóa để kiểm tra việc sử dụng cưỡng chế.

Sự xâm lấn hiện tại của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu là nhằm mục đích kiểm tra phản ứng từ ASEAN trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Quad. Các nước ASEAN nên hướng tới nền kinh tế trong đó “ít Trung Quốc hơn.”

Họ cũng nên thúc đẩy việc thực hiện Phán quyết PCA thông qua UNSC. Các thành viên của Quad và một số quốc gia phương Tây cũng rất quan tâm đến việc triển khai nó. Đây là thời điểm cơ hội nhất để UNSC lên tiếng về vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục