Các chuyên gia nhận định, Saudi Arabia có nhiều thứ bị mất hơn là được từ một cuộc đối đầu kinh tế với đồng minh của nước này là Mỹ, trong bối cảnh bất đồng ngoại giao tiếp diễn sau vụ nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi mất tích.
Ngày 16/10 tại thủ đô Riyadh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc hội đàm khẩn với Quốc vương Saudi Arabia Salman sau khi có tin nhà báo Khashoggi bị sát hại cách đây 2 tuần trong lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc nhà báo này bị mất tích đã gây sốc cho các đồng minh của Saudi Arabia, khiến Mỹ-đối tác thương mại hàng đầu của vương quốc này-phải đe dọa "trừng phạt mạnh tay."
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, ông Jean-Francois Seznec phân tích, bất chấp việc là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và bán 1 triệu thùng/ngày cho Mỹ, Saudi Arabia sẽ không được hưởng lợi từ việc sử dụng "vàng đen" làm lợi thế đàm phán. Theo ông, điều đó "sẽ phá hủy hoàn toàn hình ảnh của Saudi Arabia với tư cách là một "nhà cung cấp đáng tin cậy" cũng như làm xấu hình ảnh người con trai quyền lực của Quốc vương Salman là Thái tử Mohammed bin Salman.
[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu bằng chứng đáng nghi vụ nhà báo mất tích]
Ông Seznec còn cho rằng, nếu cuộc khủng hoảng này leo thang, thì Thái tử Mohammed bin Salman thậm chí có khả năng đề nghị thanh toán dầu bằng đồng Nhân dân tệ, thay vì đồng USD. Ông nêu rõ: "Điều đó sẽ gây bất ổn cho toàn bộ kinh tế thế giới và khiến Mỹ phải đưa ra các biện pháp đáp trả mạnh mẽ," có khả năng dẫn đến một sự thay đổi ban lãnh đạo ở Riyadh.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Kuwait và hiện cũng là nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, ông Richard LeBaron cho rằng Riyadh có nhiều cách đáp trả các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, ông nhận định không có biện pháp nào trong số đó sẽ giúp Riyadh trong ngắn và dài hạn, do những biện pháp như vậy sẽ càng giúp làm gia tăng tiếng xấu của Saudi Arabia, vốn thường được xem là khó đoán định và hành động thiếu tôn trọng.
Ngoài ra, ông LeBaron còn cho rằng, một lệnh cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia có khả năng khiến Riyadh phải quay sang "Nga," song sự phụ thuộc hiện nay của Riyadh vào các hệ thống vũ khí của Mỹ sẽ sớm khiến nước này dễ bị nguy hiểm, do "vấn đề nghiêm trọng của các bộ phận dự phòng." Sự leo thang căng thẳng cũng có thể tác động đến việc chia sẻ thông tin tình báo và thương mại giữa Saudi Arabia và các nước phương Tây, song chuyên gia Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) ở Paris, cho rằng Saudi Arabia "không được lợi gì nếu để vụ này đi quá xa"./.