Chuyên gia thận trọng về khả năng đạt đột phá ở thượng đỉnh Mỹ-Triều

Phóng viên TTXVN tại Mỹ đã phỏng vấn một số chuyên gia về ý nghĩa cũng như dự báo về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 27-28/2.
Chuyên gia thận trọng về khả năng đạt đột phá ở thượng đỉnh Mỹ-Triều ảnh 1Pano chào mừng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên trên các tuyến phố Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 27-28/2, phóng viên TTXVN tại Mỹ đã phỏng vấn một số chuyên gia về ý nghĩa cũng như dự báo về kết quả cuộc gặp.

Theo ông Hunter Marston, nguyên trợ lý nghiên cứu cấp cao của viện Brookings, Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai có ý nghĩa to lớn bởi sự kiện này giúp hai nhà lãnh đạo của hai quốc trong lịch sử vốn là kẻ thù của nhau ngồi vào bàn đàm phán nhằm xây dựng niềm tin và nỗ lực hướng tới một thỏa thuận, một tiến trình hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên.

Đối với khả năng đạt được thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, ông Marston cho biết không nên chờ đợi vào bất kỳ một thỏa thuận đột phá nào giữa hai bên, đặc biệt là phi hạt nhân hóa hoàn toàn hay các biện pháp cụ thể khác bởi quá trình phi hạt nhân hóa nào cũng cần phải có nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều cuộc họp tiếp theo.

Tuy nhiên, cuộc gặp này rất quan trọng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để tiếp tục xây dựng lòng tin và mở đường cho việc đạt được thỏa thuận cụ thể hơn.

[Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cơ hội khẳng định vị thế Việt Nam]

Cũng có thể, hai bên sẽ đưa ra những quyết định bất ngờ với các cam kết để đạt được hòa bình nhất định và mở đường cho những tiến trình tiếp theo.

Ông Marston cũng lưu ý để đạt được thỏa thuận, chắc chắn hai bên sẽ phải nhượng bộ, song vấn đề ở đây chính là mức độ của sự nhượng bộ như thế nào.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge của Mỹ Anthony Nelson cho biết có nhiều dự đoán và khả năng lớn nhất là Triều Tiên đồng ý cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình, đây cũng là điều mà Mỹ muốn.

Nhiều người cũng đề cập tới khả năng Mỹ có thể chính thức mở một phái đoàn ngoại giao ở Bình Nhưỡng, bởi cho tới nay Mỹ vẫn thực hiện các hoạt động thông qua phái đoàn của Thụy Điển.

Ngoài ra, có khả năng hai bên sẽ tái thiết lập quan hệ ngoại giao với ý nghĩa mang tính biểu tượng, có thể là việc thông báo chính thức một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên cũng là một khả năng, song điều đó còn phụ thuộc vào việc Triều Tiên sẽ có những nhượng bộ gì.

Chuyên gia Richard Cronin, Cố vấn phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Viện Stimson, nhận định hai bên sẽ khó có khả năng đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng.

Tuy nhiên, hai bên có thể đưa ra sự nhượng bộ lẫn nhau. Nếu Triều Tiên phản ứng một cách có trách nhiệm, Mỹ có thể sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế và đầu tư đối với Triều Tiên, đi cùng đó là tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.