Chuyên gia: Trung Quốc có thể theo dõi mọi động thái ở Biển Đông

Theo giới quan sát, lời dự báo của thượng nghị sỹ Mỹ John McCain về việc Trung Quốc hoàn tất xây dựng hệ thống phòng thủ, phản công ở Biển Đông vào đầu năm 2017 đang trở thành sự thật.
Các công trình xây dựng, chiếm đóng trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh chụp vệ tinh ngày 9/3. (Nguồn: Reuters/CSIS)

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, chỉ mới hơn một năm trước, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper viết một lá thư gửi cho Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, thượng nghị sỹ John McCain, trong đó dự báo rằng "Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng các cơ sở phòng thủ và phản công tại quần đảo Trường Sa (thuộc Việt Nam) trên Biển Đông vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017."

Theo giới quan sát, điều này đang trở thành sự thật.

[Việt Nam đang xác minh tin Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa]

Sau gần hai năm theo dõi, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington của Mỹ vừa đưa ra báo báo rằng Bắc Kinh có thể triển khai các thiết bị quân sự, trong đó có các máy bay chiến đấu và các bệ phóng tên lửa, tới quần đảo Trường Sa.

Qua thư điện tử, ông Gregory Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á tại CSIS, nhận định rằng: “Mọi quốc gia trong khu vực có lẽ thực sự lo ngại về hoạt động xây dựng này.”

Chuyên gia này nhấn mạnh: "Nếu quý vị là một ngư dân ở Đông Nam Á, thì diễn biến mới trên đồng nghĩa với việc Trung Quốc có khả năng và ý định theo dõi mọi động thái của quý vị ở Biển Đông, cũng như can thiệp vào bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào thấy phù hợp."

Ông Poling nói thêm rằng các động thái trên cũng có thể gây "quan ngại sâu sắc” cho các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ hay các nước châu Âu, do Trung Quốc từng tuyên bố rằng nếu cần, nước này sẽ bảo vệ chủ quyền mà Bắc Kinh gọi là lịch sử của mình.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 30/3 tuyên bố “không có cái gọi là đảo nhân tạo” ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lặp lại rằng bất kỳ công trình xây dựng nào tại đây chủ yếu cũng nhằm phục vụ các mục đích dân sự. Các phát hiện trên dường như củng cố thêm lập trường cho rằng việc xây dựng của Trung Quốc trên các hòn đảo nhân tạo nhằm ngang ngược khẳng định chủ quyền của nước này trên phần lớn Biển Đông.

Trước thông tin Trung Quốc hoàn tất việc triển khai vũ khí ở Trường Sa và sẵn sàng triển khai bất cứ lúc nào, ngày 30/3 vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin này. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các bên liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình cũng như đe dọa đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục