Tân Hoa Xã dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại một buổi họp báo ngày 28/3, trong đó ngang nhiên khẳng định hoạt động xây dựng đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Nam Sa) là nhằm nâng cao khả năng cung cấp các loại hàng hóa phục vụ dân sinh, cũng như thực hiện tốt hơn nghĩa vụ quốc tế của nước này.
Đây được xem là động thái “phản pháo” của Trung Quốc đối với báo cáo mới đây của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), trong đó cho rằng Bắc Kinh sắp hoàn tất việc xây dựng các cơ sở tấn công và phòng thủ trên quần đảo Trường Sa.
Bà Hoa Xuân Oánh khăng khăng tuyên bố quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ từ trước đến nay của Trung Quốc qua đó biện hộ các hoạt động xây dựng trên lãnh thổ của Trung Quốc là nhằm để cải thiện điều kiện sống và làm việc của các lực lượng đồn trú trên đảo, cải thiện công năng dân sự của các đảo, nâng cao khả năng cung cấp nhiều loại hàng hóa phục vụ dân sinh và thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế của nước này.
Bà này cũng khẳng định việc Bắc Kinh có triển khai các cơ sở phòng thủ cần thiết trên lãnh thổ của nước này hay không là vấn đề thuộc về chủ quyền của Trung Quốc.
Trước đó, AMTI công bố một bản báo cáo cho biết hơn một năm trước, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) James Clapper đã viết thư gửi Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện John McCain, dự báo rằng Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng các cơ sở tấn công và phòng thủ ở quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
Theo bản báo cáo, nhiều hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và lưỡng dụng chủ yếu trên khu vực "Bộ Ba" (Đá Subi, Vành Khăn và Đá Chữ Thập) đang vào giai đoạn hoàn tất, trong đó phần lớn là các cơ sở cho hải quân, không quân, radar và phòng thủ mà chương trình AMTI đã theo dõi trong gần hai năm qua.
Hiện Bắc Kinh đã có thể triển khai khí tài quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu và các bệ phóng tên lửa cơ động, ra quần đảo Trường Sa vào bất kỳ lúc nào.
Ba căn cứ không quân của Trung Quốc ở Trường Sa và một căn cứ khác trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa sẽ cho phép các máy bay quân sự nước này triển khai hoạt động trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Thực tế này cũng đúng với phạm vi bao phủ của hệ thống rađa Trung Quốc, với các cơ sở radar theo dõi và cảnh báo sớm được bố trí trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Châu Viên, cũng như trên đảo Phú Lâm và một số cơ sở nhỏ hơn.
Trung Quốc đã duy trì các khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm từ hơn một năm qua và ít nhất một lần triển khai các tên lửa chống hạm tới hòn đảo này.
Hiện Trung Quốc đã xây dựng nhiều nhà chứa kiên cố với mái di động dành cho các bệ phóng tên lửa cơ động tại khu vực "Bộ Ba" nói trên./.