Nhân dịp 5 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về Biển Đông (12/7/2016), báo Porady của giới luật sư Ukraine ngày 9/7 đăng bài phân tích của chuyên gia Sergei Tolstov - Giám đốc Viện phân tích chính trị và nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Kiev, trong đó tác giả đánh giá cao ý nghĩa phán quyết của PCA và luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tác giả Tolstov cho rằng phán quyết của PCA sau năm năm “đã cho thấy sự công bằng và cơ sở pháp lý."
PCA đã đưa ra phán quyết rõ ràng về yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích ở Biển Đông. Cụ thể, Tòa đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định “quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên ở Biển Đông trong phạm vi “đường 9 đoạn."
Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh không thể nêu yêu sách về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như không có “quyền lịch sử” để tuyên bố chủ quyền đối với hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực tranh chấp.
[Học giả quốc tế đề cao UNCLOS và phán quyết của PCA về Biển Đông]
Chuyên gia Ukraine nhận định rằng phán quyết của PCA đã có tác động nhất định đến lập trường và hành động của Trung Quốc, nhất là đối với khu vực bãi cạn Scarborough.
Về ý nghĩa của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, tác giả Tolstov nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bày tỏ quan ngại những hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp đã gây ra tình trạng bất ổn về an ninh trong khu vực.
Ông cho rằng “các bên cần chấp hành nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tự nguyện tuân thủ Công ước và phán quyết của PCA."
Theo chuyên gia Ukraine, PCA không chỉ giới hạn ở việc nêu ra hành vi vi phạm của Trung Quốc đối với các điều khoản nhất định của UNCLOS, mà còn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng lợi ích của các bên.
Ông khẳng định trong bối cảnh hiện nay, bước đi tích cực là các bên liên quan ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), theo đó coi trọng đảm bảo tự do hàng hải và cân nhắc đến những yêu sách của nhau./.