Ngày 17/9, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB), bà Carmen Reinhart cho rằng nền kinh tế thế giới có thể phải mất 5 năm để phục hồi hoàn toàn từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong khuôn khổ hội nghị đang diễn ra tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, bà Reinhart cho rằng kinh tế toàn cầu có thể hồi phục với tốc độ nhanh chóng khi tất cả các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch được gỡ bỏ hoàn toàn, tuy nhiên, sự phục hồi hoàn toàn sẽ phải mất 5 năm.
Theo bà, nhiều nước sẽ phải gánh chịu tình trạng suy thoái do dịch COVID-19 dài hơn so với các nước khác và thực tế này sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề bất bình đẳng khi những nước nghèo nhất lại trở thành nạn nhân chịu nhiều tổn thương nhất từ khủng hoảng COVID-19.
Bà cho biết thêm lần đầu tiên trong 20 năm qua, tỷ lệ người nghèo đói toàn cầu sẽ tăng sau cuộc khủng hoảng do COVID-19.
Trên thực tế, kinh tế hầu hết các nước trên thế giới giảm sút nghiêm trọng do ảnh hưởng từ các đại dịch COVID-19.
[OECD: Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự báo]
Nhiều nước rơi vào suy thoái nghiêm trọng là thực tế đang xảy ra bất chấp chính phủ các nước này công bố các gói khổng lồ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng.
Mới đây nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nếu đại dịch COVID-19 nằm trong tầm kiểm soát, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2021.
Tuy nhiên, trong trường hợp dịch COVID-19 tái bùng phát khiến chính phủ các nước buộc phải tái áp đặt các lệnh hạn chế, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 có thể sụt giảm 2-3% so với mức dự báo.
Theo OECD, triển vọng tươi sáng về tăng trưởng kinh tế cũng sẽ không đồng đều trong các nền kinh tế lớn.
Cụ thể, kinh tế Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ có phần khởi sắc hơn so với các nền kinh tế khác như Ấn Độ, Mexico và Nam Phi, do cuộc chiến chống COVID-19 tại mỗi nước ở mức độ khác nhau./.