Ở căn nhà nhỏ trên con phố Hoàng Hoa Thám, đập vào mắt bất kỳ vị khách nào là chiếc bàn la liệt những màu vẽ, giấy báo tường (bích báo). Ông Vũ Đức Quỳnh, người họa sỹ già đang cặm cụi vẽ nốt tờ báo để kịp giao khách. Rất khó khăn khi hẹn gặp được ông. Sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, những đơn hàng cứ tíu tít cứ gửi về nhờ ông vẽ báo tường.
Ông Vũ Đức Quỳnh (71 tuổi), vốn là họa sỹ tốt nghiệp khóa Trung cấp mỹ thuật Điện ảnh. Năm 1963, ông được cử về Hãng phim Tư liệu - Khoa học Trung ương. Ông chia sẻ, cái duyên làm báo tường đến với ông hết sức tình cờ khi ông nhập ngũ năm 1968 tại Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Những lúc rảnh rỗi, anh họa sỹ Quỳnh hay vẽ ký họa đời sống của anh em đồng đội, khi có cuộc họp bàn kế hoạch tác chiến, lúc lại là giao lưu văn nghệ.
Nhờ cái tài vẽ vời như vậy mà anh họa sỹ trẻ được giao một trọng trách hết sức quan trọng: vẽ báo tường để cổ động cũng như làm đời sống anh em thêm phong phú. Những trang vẽ, những tờ báo tường của ông được đồng đội hết sức nâng niu gìn giữ và chia sẻ với nhau như một báu vật nơi chiến trường khốc liệt.
Khi giải ngũ, ông tiếp tục theo học Khoa Thiết kế mỹ thuật Sân khấu và trở lại làm nghề họa sỹ. Cái nghề họa sĩ thời bao cấp lương ba cọc ba đồng nhưng ông quyết tâm bám trụ vì nó không chỉ là cái nghiệp, đó còn là đam mê, niềm vui của ông. Ông tâm sự, có những năm ông phải mang bút lông, màu vẽ ra ngoài vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám để kiếm sống. Ông nhận vẽ đủ thể loại từ chân dung, phong cảnh,… để có tiền nuôi sống gia đình.
Đến một ngày, một đám học sinh tìm đến nhờ ông thiết kế và trang trí cho một tờ báo tường nhân dịp 20/11. Khi cầm tác phẩm của trên tay, chúng xuýt xoa khen ông vẽ đẹp, độc đáo rồi truyền tai nhau. Từ ấy mỗi dịp 20/11, lại có rất nhiều học sinh tìm đến nhờ ông vẽ báo tường, nhiều tờ báo ông vẽ đạt các giải cao khi mang đi thi tại trường. Vậy là ông có thêm một ‘nghề’ mới, nghề vẽ báo tường.
Ông chia sẻ, vẽ báo tường một phần là ý tưởng của khách hàng đồng thời mình cũng phải sáng tạo sao cho nhiều hơn những gì mà họ yêu cầu. Chính vì vậy, mỗi tờ báo tuy cùng nội dung, cùng dòng chữ nhưng lại có những nét riêng độc đáo khiến khách hàng, nhất là đám học trò mê tít các tác phẩm của ông.
Hơn 20 năm vẽ báo tường, mọi người vẫn nhớ đến ông Quỳnh và lại nhờ ông thiết kế tờ báo mang đi trưng bày. Bây giờ báo tường chủ yếu được thiết kế và in ra theo phong cách mới, nhanh hơn, đẹp hơn nhưng vẫn có nhiều học sinh muốn hướng về truyền thống, cứ ngày 20/11 là lại tìm đến nhà nhờ ông vẽ.
Mỗi tờ báo tường bình thường ông Quỳnh trung bình mất 1 ngày đêm để hoàn thiện, nhưng một số người yêu cầu cầu kỳ hơn, có khi ông phải mất 2-3 ngày để hoàn thành. Bây giờ sức khỏe ông không còn được như trước nên mỗi dịp tri ân Ngày nhà Giáo Việt Nam, ông chỉ nhận vẽ khoảng 20 bức báo tường.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ có học sinh mà còn nhiều đơn vị bộ đội cũng tìm đến ông để nhờ ông vẽ. Ông cho biết, nhờ có nhiều năm phục vụ trong quân ngũ nên ông biết vẽ cái gì, chính vì vậy họ thích cái hồn trong nét vẽ, cái cách ông truyền tải thông điệp trong mỗi tờ báo.
Bản thân ông cũng chẳng rõ nguồn gốc của báo tường từ đâu, chỉ biết báo tường ra đời trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc trong thời kỳ chiến tranh nhằm phục vụ nhu cầu thông tin của một số nhóm người cụ thể.
Trong căn phòng nhỏ treo đầy những bức tranh sơn dầu do chính ông vẽ, bên góc tường, những bài báo viết về ông được đóng khung cẩn thận treo lên. Ông Quỳnh thở dài, vẽ báo tường với ông bây giờ không chỉ là một nghề kiếm sống mà đó là còn là đam mê, niềm vui khi về già chứ không muốn ai theo ‘nghề’ này./.