Chuyến thăm của ông Obama và ấn tượng về sự am hiểu văn hóa

Những chia sẻ chân thành của Tổng thống Barack Obama chắc chắn là một nguồn cảm hứng để nhiều bạn trẻ Việt Nam tiếp tục sáng tạo, dấn thân và cống hiến cho đất nước.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trích dẫn câu hát trong bài Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 24/5. (Ảnh: Minh Sơn-Thanh Trà/Vietnam+)

 
Trong ba ngày công du Việt Nam từ 23-25/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama có một lịch trình bận rộn, từ các cuộc tiếp xúc cấp cao đến các cuộc gặp gỡ với đại diện các giới, từ chiêu đãi cấp nhà nước đến việc ghi hình quảng bá cho đầu bếp Anthony Bourdain với món ăn truyền thống của Việt Nam hay ghé một quán cóc ven đường. 

Lịch trình công du nước ngoài của nguyên thủ các nước dày đặc cũng là chuyện hết sức bình thường. Nhưng sự khác thường trong lịch trình này chính là sự đa dạng của các hoạt động và các phát biểu truyền cảm hứng, thể hiện tình cảm, sự am hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam của Tổng thống Obama.

Trong ngày hoạt động đầu tiên 23/5, Tổng thống Mỹ nói ông xúc động khi được người dân Việt Nam chào đón dọc đường đi. 

Tình cảm của ông được nâng lên một cung bậc khác khi mở đầu bài phát biểu với sinh viên, trí thức trẻ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 24/5 Tổng thống Mỹ đã nói: “Trong chuyến đi này, sự thân thiện - một đặc tính dễ nhận thấy ở người Việt Nam ​- đã chạm tới trái tim tôi.”

Những điều Tổng thống Obama nói dường như không phải là cách chỉ để làm vui lòng chủ nhà mà là kết tinh của quá trình tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam và sự trải nghiệm của chính cá nhân ông trong chuyến đi này. 

Các phát biểu của Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam khá độc đáo bởi luôn được bắt đầu bằng những điều gì đó thật gần gũi: một câu chào bằng tiếng Việt, một lời kể về trải nghiệm trên đường phố, hay món ăn mà ông thưởng thức hôm trước.

Có thể nói, Tổng thống Obama đã thành công trong việc tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước, thông qua việc sử dụng nhiều trích dẫn thi ca của Việt Nam.

Ông trích hai câu thơ trong bài thơ thần của Lý Thường Kiệt khi khẳng định chủ quyền, độc lập và tự chủ của Việt Nam: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời."

Nhắc lại lịch sử chiến tranh, chia cắt và cả một chương dài hàn gắn để đi đến xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ mà một trong những kết quả quan trọng của mối quan hệ này là sự xích lại gần nhau giữa nhân dân hai nước, ông đã mượn lời bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sỹ Văn Cao “Từ nay người biết quê người/Từ nay người biết thương người.” 

Để đánh dấu ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm này (hai nước trở thành đối tác toàn diện một cách thực chất) Tổng thống Obama đã mượn "Truyện Kiều" của Nguyễn Du (Rằng: Trăm năm kể từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi). 

Điều này khẳng định sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử và tôn trọng lẫn nhau luôn là nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới. 

Trong các bài diễn thuyết hay đối thoại, Tổng thống Mỹ đã dành nhiều thời gian để nói về một nền kinh tế tri thức toàn cầu, về tinh thần khởi nghiệp, về những lợi ích mà Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mang lại cho các nước, trong đó có Việt Nam và Mỹ. 

Nhưng quan trọng hơn, nhà lãnh đạo Mỹ đã dành nhiều thời gian trong các cuộc trò chuyện để khơi dậy tinh thần dấn thân của những người trẻ tuổi. 

Ông nói với đại diện sinh viên và trí thức trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội: “Tài năng của các bạn, động lực của các bạn, hoài bão của các bạn chính là những điều mà Việt Nam cần để vươn lên và rằng tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào chính các tài năng trẻ của đất nước."

Tổng thống Mỹ cũng khẳng định khả năng trong mọi lĩnh vực của người Việt Nam từ thời xưa đến thời nay (Thơ ca của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh, tài năng toán học của Ngô Bảo Châu, nhiều doanh nhân trẻ và thành đạt của Việt Nam) và đặc biệt đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. 

Tổng thống Obama đã nói trong cuộc đối thoại tại DreamPlex (Tổ hợp Giấc mơ) rằng Việt Nam là đất nước tràn đầy năng lượng và điều đó được cảm nhận ở những nơi mà ông đặt chân tới trong chuyến đi này. 

Ông cũng chia sẻ với các nhà lãnh đạo trẻ của chúng ta “đừng bận tâm việc mình trở thành người thế nào mà hãy quan tâm mình sẽ làm gì… Đừng nghĩ mình muốn trở thành ai hay muốn giàu thế nào. Bởi làm thế “các bạn sẽ không còn đủ tập trung vào công việc của các bạn.”

Ông Obama phát biểu tại buổi gặp gỡ, giao lưu với hơn 600 bạn trẻ là thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Chiều 25/5, Tổng thống Mỹ đã rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc chuyến công du tới Việt Nam. 

Chuyến đi thành công bởi nó khẳng định những cam kết chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế song phương và cả việc thu hẹp khoảng cách về một số vấn đề còn tồn tại giữa hai quốc gia. 

Nhưng đối với nhiều người dân Việt Nam, sự thân thiện của Tổng thống Barack Obama, sự am hiểu lịch sử và văn hóa Việt cũng đã chạm tới trái tim họ và với nhiều bạn trẻ, sự chia sẻ chân thành của người đứng đầu nước Mỹ - một người vượt qua không ít những định kiến của xã hội để thành công - chắc chắn là một nguồn cảm hứng để tiếp tục sáng tạo, dấn thân và cống hiến cho sự thịnh vượng của nước Việt Nam trong tương lai không xa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục