Cô gái kiểm soát được lượng virus HIV sau 12 năm ngừng dùng ARV

Một bác sỹ từ Paris đã giới thiệu trường hợp cô gái 18 tuổi nhiễm HIV từ khi ra đời nhưng đang điểm soát được lượng virus HIV ở mức thấp sau 12 năm sử dụng ARV.
Cô gái kiểm soát được lượng virus HIV sau 12 năm ngừng dùng ARV ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: developmentdiaries.com)

Tại Hội nghị AIDS Quốc tế được tổ chức tại thành phố Vancouver của Canada ngày 20/7, bác sỹ Asier Saez-Cirion đến từ Viện Pasteur Paris đã trình bày trường hợp một cô gái 18 tuổi mắc HIV từ khi ra đời vẫn tiếp tục kiểm soát được lượng virus HIV ở mức thấp trong cơ thể sau 12 năm ngừng sử dụng thuốc ARV. Bệnh nhân nữ này người Pháp và hiện đang sống tại Paris.

Theo đó, mẹ của bệnh nhân nói trên đã không sử dụng thuốc kháng virus trong suốt thai kỳ để có thể ngăn chặn sự lây truyền virus HIV từ mẹ sang con và do đó, các bác sỹ cho rằng nhiều khả năng cô gái này đã nhiễm bệnh khi còn trong bụng mẹ hoặc trong quá trình được sinh ra.

Sau khi chào đời, cô được bác sỹ cho uống các loại thuốc kháng virus mạnh và được điều trị đến năm năm tuổi thì mất liên lạc với bác sỹ.

Một năm sau đó, gia đình đã đưa cô trở lại bệnh viện song các bác sỹ không còn phát hiện virus HIV trong máu cô bé nữa.

Họ quyết định ngừng điều trị nhưng vẫn tiến hành theo dõi cô bé. Cho đến thời điểm hiện tại, tức 12 năm kể từ khi bệnh nhân này hoàn toàn ngưng dùng thuốc, lượng virus HIV dù vẫn còn được phát hiện trong các tế bào nhưng lại duy trì ở mức thấp dưới ngưỡng có thể phát hiện trong máu.

Các nhà nghiên cứu nhận định trường hợp hy hữu này là bằng chứng cho thấy việc điều trị sớm từ lức mới sinh ra giúp bệnh thuyên giảm.

Trước đó, một trường hợp tương tự cũng được ghi nhận ở một em bé nhiễm HIV từ khi lọt lòng tại bang Mississippi của Mỹ đã kiểm soát được virus HIV trong 27 tháng sau khi ngưng dùng thuốc.

Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân người Pháp nói trên được xem là trường hợp kiểm soát bệnh lâu năm nhất từ trước tới nay, mở ra hy vọng mới cho những người mắc HIV.

Theo các bác sỹ, quá trình điều trị sớm và tích cực không những giúp người bệnh hạn chế sức mạnh của virus HIV mà còn có khả năng kiểm soát chúng trong một thời gian dài sau khi ngưng sử dụng thuốc.

Cũng tại hội nghị này, các nhà khoa học đã công bố những nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các loại thuốc kháng virus HIV ở một số nơi trên thế giới đã đạt được những thành công nhất định.

Các chuyên gia y tế cho biết đã ghi nhận những kết quả tích cực khi thử nghiệm phương pháp phòng chống trước khi tiếp xúc (PrEP) trong nỗ lực giảm thiểu sự lây lan của virus HIV.

Theo phương pháp này, một người khỏe mạnh có sinh hoạt tình dục với bạn đời bị nhiễm HIV sẽ phải uống một viên thuốc kháng virus (ARV) mỗi ngày - loại thuốc có tác dụng làm giảm sự phát triển của virus HIV và làm chậm giai đoạn chuyển sang AIDS.

Thông qua việc công bố kết quả nghiên cứu về việc triển khai PrEP ở những nhóm người có nguy cơ cao mắc HIV tại các nước Brazil, Mỹ và Botswana, các nhà nghiên cứu nhận định việc áp dụng phương pháp này đã góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV ở người khỏe mạnh với ít tác dụng phụ được ghi nhận.

Cụ thể, trong nghiên cứu đối với nhóm 557 nam giới có quan hệ đồng tính tại thành phố San Francisco của Mỹ thực hiện PrEP, chỉ có hai người đã nhiễm HIV trong số này hấp thụ được lượng thuốc kháng virus rất thấp.

Tương tự, một nghiên cứu ở Brazil đối với 509 nam giới trong giai đoạn 2014 - 2015 cho thấy PrEP được những người tham gia tiếp nhận tích cực.

Trong khi đó, một công trình nghiên cứu khác tại Mỹ do các bác sỹ thuộc bệnh viện Stroger, bang Illinois, tiến hành chỉ ghi nhận ba trường hợp trong tổng số 200 nam giới trẻ tại 12 thành phố của Mỹ gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu và sụt cân khi áp dụng PrEP.

Các kết quả tích cực cũng được ghi nhận trong nghiên cứu tại Botswana khi không có sự lây nhiễm HIV nào xảy ra trong nhóm 229 người khác giới thực hiện PrEP.

Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của PrEP, tuy nhiên một số nhà khoa học cho rằng việc sử dụng phương pháp này còn một số hạn chế khi chi phí thuốc còn khá đắt đỏ đối với nhiều người.

Ngoài ra, một số người vẫn còn quên uống thuốc hàng ngày, khiến tính hiệu quả của PrEP giảm đi đáng kể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục