Trong những ngày qua, dư luận Malaysia đã bị sốc trước vụ tự sát của một cô gái trẻ 16 tuổi, vốn là một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội.
Ngày 13/5 vừa qua, Davia Emelia, đến từ thành phố Kuching, bang Sarawak, đã đăng tải dòng trạng thái lên tài khoản Instgram của mình với nội dung “Thực sự quan trọng, hãy giúp tôi lựa chọn Sống hay Chết.”
Đồng thời, Davia cũng đăng một dòng trạng thái khác lên tài khoản Facebook, nói rằng cô muốn thoát khỏi cuộc đời vì quá mệt mỏi.
Vài giờ sau khi đăng các dòng trạng thái trên, cô gái trẻ đã nhận được 69% ý kiến ủng hộ cô tự sát trên Instagram. Không lâu sau đó, cô gái đã leo lên nóc một tòa nhà cao tầng và nhảy xuống đất để kết liễu đời mình.
Cảnh sát thành phố Kuching cho hay họ nghi ngờ nạn nhân đã trải qua thời gian bị trầm cảm. Tuy nhiên, cảnh sát cũng cho biết, theo người mẹ của nạn nhân, nạn nhân không hề có biểu hiện thay đổi về thái độ cư xử trước khi xảy ra vụ việc.
Chỉ có một việc duy nhất, đó là nạn nhân cảm thấy buồn khi người cha dượng của mình, vốn là người mà nạn nhân rất gần gũi và quý mến, đã quyết định kết hôn với một người phụ nữ khác và ít khi về thăm gia đình nạn nhân.
[Facebook loại bỏ 265 tài khoản “không trung thực” nguồn gốc từ Israel]
Trong khi đó, một số luật sư có ý kiến cho rằng sự việc có thể sẽ không tồi tệ như vậy nếu như những người bạn trên mạng xã hội có lời khuyên đúng đắn dành cho nạn nhân. Cô gái trẻ có thể đã giữ được tính mạng của mình nếu như phần lớn những người theo dõi cô trên mạng xã hội khuyên cô bình tĩnh và biết quý trọng mạng sống. Có luật sư còn yêu cầu cảnh sát điều tra chi tiết về hoàn cảnh dẫn đến vụ việc.
Ngày 16/5, Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia đã ra thông báo, trong đó yêu cầu những người sử dụng mạng xã hội hãy lưu tâm và thận trọng hơn đối với các đăng tải liên quan đến hành vi tự sát, nhằm phòng ngừa những sự việc đau lòng tương tự.
Bộ này cũng đề nghị người dùng mạng xã hội hãy nhanh chóng liên hệ trực tiếp với cảnh sát, thân nhân hoặc bạn bè của những người có ý định tự tử để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, ngày càng có nhiều người Malaysia, trong đó có không ít người trẻ, phải đối mặt với các vấn đề về tinh thần và tâm lý, như stress, trầm cảm, rối loạn lo âu…
Các cơ quan chức năng đã tiến hành một số biện pháp để hỗ trợ những người này, như thiết lập hộp thư điện tử, đường dây nóng hoạt động cả ngày, nhằm đưa ra những tư vấn cần thiết và kịp thời cho họ./.