'Có gia đình 2-3 trẻ học online nhưng chỉ có một chiếc điện thoại'

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, hiện nay việc triển khai dạy học trực tuyến cả thế giới đang phải làm, không riêng ở Việt Nam.
Học sinh học trực tuyến phòng dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại phiên chất vấn tại Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc dạy, học trực tuyến có những khó khăn nhất định.

Theo Bộ trưởng Sơn, hiện nay việc triển khai dạy học trực tuyến cả thế giới đang phải làm, không riêng ở Việt Nam. Ngành giáo dục đã chuẩn bị dạy trực tuyến từ năm trước và khi bước vào năm 2021 việc này tăng với quy mô chưa từng có từ trước đến nay.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá việc chuyển sang dạy trực tuyến trong thời điểm rất khó khăn bởi theo thống kê hiện có hơn 1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị gì trong tay.

"Có gia đình 2-3 anh chị em nhưng chỉ có một chiếc điện thoại. Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những cháu không có thiết bị đang dần dần bỏ học. Đây là điều quan trọng nhất,” người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Bộ trưởng cũng bày tỏ vui mừng khi một số tỉnh vùng núi phía Bắc khó khăn đang được dạy học trực tiếp. Ông cũng cho biết việc đánh giá thực thi học trực tuyến ra sao và chất lượng như thế nào đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi thường xuyên.

Đưa ra con số toàn ngành đã huy động đợt 1 với khoảng 140.000 thiết bị để hỗ trợ và thời gian tới các doanh nghiệp đang tiếp tục hỗ trợ học sinh, ông Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá sơ bộ. Và, khi học sinh trở lại trường sẽ có kiểm tra, đánh giá cụ thể.

Tư lệnh ngành giáo dục yêu cầu các nhà trường khi đón học sinh trở lại trường, việc đầu tiên cần cho các em làm quen lại với môi trường, lấy lại tinh thần thư thái, tinh thần chống dịch, thay vì "nhồi nhét" các phiếu đánh giá.

[Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: Xử lý nghiêm việc dạy thêm trực tuyến]

Liên quan đến vấn đề Đại biểu nêu nhiều học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông có điểm rất cao, thậm chí điểm trung bình 9 điểm/ môn nhưng vẫn trượt Đại học, Bộ trưởng Sơn cho biết năm vừa qua có hiện tượng một số học sinh điểm cao nhưng không nguyện vọng.

Cụ thể, có 165 học sinh phổ thông có điểm cao từ 27 điểm trở lên trượt Đại học, trong đó hầu hết là học sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng chủ yếu vào các ngành công an, quân đội. Hay, các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển và mỗi một cách xét tuyển dành cho các nhóm dẫn đến chỉ tiêu cũng có phần ảnh hưởng đến việc xét trúng tuyển.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh trong việc chỉ đạo các phương án xét tuyển của các trường Đại học; rà soát, không nên có quá nhiều phương án xét tuyển trong một cơ sở giáo dục Đại học, vừa phức tạp cho xã hội lại gây rủi ro cho người đăng ký./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục