Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ ngày 5/4 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Chính sách ngoại thương 2023 của Ấn Độ."
Chương trình đã thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, đại diện doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu Việt Nam.
Chương trình được thực hiện sau khi Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ ngày 31/3 công bố Chính sách ngoại thương 2023, thay thế chính sách ngoại thương cũ ban hành từ năm 2015.
Đây là chính sách quan trọng, tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Ấn Độ trước mắt và lâu dài.
Diễn giả chính của chương trình là ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ. Tại hội thảo, ông Thướng đã trình bày các thông tin liên quan tới tình hình xuất khẩu của Ấn Độ các năm vừa qua và những điểm nổi bật đáng chú ý trong chính sách ngoại thương mới của Ấn Độ.
Theo ông Thướng, Ấn Độ đã thay đổi cách tiếp cận trong việc ban hành Chính sách ngoại thương 2023 như sau:
Từ hỗ trợ trực tiếp sang miễn giảm thuế; xác định tiềm năng sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của các bang, địa phương cụ thể, từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp;
Áp dụng công nghệ, tự động hóa và tái cấu trúc quy trình liên tục để tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại, với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa như Dubai, Singapore hoặc Hong Kong (Trung Quốc);
Tập trung vào các lĩnh vực mới nổi như xuất khẩu thương mại điện tử, phát triển các trung tâm xuất khẩu và hợp lý hóa chính sách phát triển từng sản phẩm đặc biệt (SCOMET) để tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.
Ấn Độ sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ, đơn giản hóa hoạt động kinh doanh thông qua việc quản lý, cấp phép giấy tờ trực tuyến, cắt giảm thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính.
[Việt Nam và địa phương Ấn Độ khám phá cơ hội hợp tác]
Bên cạnh đó, Ấn Độ xây dựng tiêu chí đánh giá nhà xuất khẩu theo việc xếp hạng từ 1 đến 5 sao, dựa trên tổng giá trị xuất khẩu hằng năm để xác định các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi lãi suất ngân hàng.
Với việc quốc tế hóa đồng rupee từ tháng 7/2022, Ấn Độ cho phép thanh toán qua tài khoản Vostro, đồng rupee đã được một số quốc gia công nhận và sử dụng như các nước Nam Á, Đông Nam Á hoặc trong thương mại với Nga.
Ấn Độ sẽ tiếp tục làm việc với các nước về việc sử dụng đồng rupee trong thanh toán xuất nhập khẩu.
Chính sách ngoại thương mới đưa các mặt hàng vào chiến lược thúc đẩy xuất khẩu của Ấn Độ gồm dệt may, sữa; khuyến khích người nông dân áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; phát triển kinh tế xanh, mục tiêu đến năm 2070 đạt khí thải ròng bằng 0; tăng cường sản xuất các sản phẩm công nghệ như xe điện chạy bằng pin, xử lý, tái chế nước thải.
Ông Thướng cũng nhấn mạnh, với các chính sách ngoại thương mới này, những doanh nghiệp Việt Nam mong muốn phát triển hoạt động thương mại với Ấn Độ có thể nghiên cứu phân tích thị trường các bang, quận huyện, thị trấn của Ấn Độ với các sản phẩm nổi bật, từ đó xác định thị trường đối tác đúng với nhu cầu của doanh nghiệp mình.
Ông khẳng định Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, kết nối thị trường. Tuy nhiên, ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp sang tìm hiểu, nghiên cứu thị trường.
Ấn Độ đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 2.000 tỷ USD vào năm 2030, trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 1.000 tỷ USD, xuất khẩu dịch vụ 1.000 tỷ USD.
Qua mục tiêu này, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, ngân hàng có thể nghiên cứu, tìm hiểu các cơ hội hợp tác mới.
Ấn Độ đang là cường quốc khởi nghiệp cũng như đổi mới sáng tạo và hiện đứng thứ 3 thế giới trong lĩnh vực này với hơn 90 kỳ lân (unicorn - các công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD) và 3 siêu kỳ lân (decacorn - các công ty khởi nghiệp có giá trị từ 10 tỷ USD trở lên)./.