Cơ hội mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở Afghanistan

Các nhà phân tích ở một số quốc gia cho biết việc Taliban tiếp quản Afghanistan sẽ vẽ lại bản đồ địa chính trị của châu Á và tạo cơ hội cho Trung Quốc và Nga - 2 đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.
Cơ hội mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở Afghanistan ảnh 1Các tay súng Taliban tuần tra trên đường phố ở Kabul, Afghanistan, ngày 23/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc Mỹ rút quân khỏi Kabul và Taliban nhanh chóng chiếm thủ đô Afghanistan vào Chủ nhật ngày 15/8 đang là tâm điểm của truyền thông thế giới.

Tờ Financial Times (Anh) nhận định rằng việc Tổng thống Mỹ Joe Biden rút quân vội vã ra khỏi Afghanistan sẽ mở ra cánh cửa cho các đối thủ lớn nhất của Washington mở rộng ảnh hưởng tại nước này. Các nhà phân tích ở một số quốc gia cho biết việc Taliban tiếp quản Afghanistan sẽ vẽ lại bản đồ địa chính trị của châu Á và tạo cơ hội cho Trung Quốc và Nga - hai đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ - để thể hiện sức mạnh sau khi Washington rút lui trong hỗn loạn.

Trung Quốc và Nga đã có chuẩn bị cho sự thay đổi quyền lực ở Kabul và hai quốc gia này đều đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi với lực lượng cầm quyền mới và đang hưởng lợi từ sự yếu kém của Mỹ. Sau khi Taliban giành chiến thắng ở Afghanistan, các quốc gia phương Tây đã đóng cửa đại sứ quán của họ tại thủ đô Kabul, đưa các nhà ngoại giao và nhân viên công vụ về nước. Chỉ riêng ba quốc gia vẫn duy trì đại diện tại thủ đô của Afghanistan, đó là nước láng giềng Pakistan, Trung Quốc và Nga.

Nga vẫn chưa xác nhận có chính thức công nhận ban lãnh đạo mới của Afghanistan hay không. Moskva đã nói rằng điều này phụ thuộc vào hành động của Taliban.

Sau chiến thắng của Taliban, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tuyên bố sẵn sàng thiết lập mối "quan hệ hữu nghị" với những nhà cầm quyền mới ở Kabul. Tại Trung Quốc và Nga, Taliban đã được coi là đối tác. Hồi cuối tháng Bảy vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp phó thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc. Ông Mullah Abdul Ghani Baradar cũng là người đã ký thỏa thuận hòa bình với Mỹ vào tháng 2/2020.

Báo Tagesspiegel của Đức chỉ ra rằng quan điểm hiện tại của Trung Quốc so với lần đầu tiên Taliban tiếp quản quyền lực ở Afghanistan vào năm 1996 có sự khác biệt tương đối lớn. Vào thời điểm năm 1996, giới lãnh đạo Bắc Kinh từ chối công nhận chính quyền Taliban.

Trong nhiều năm, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul vẫn đóng cửa. Chỉ sau khi phương Tây can thiệp quân sự và Taliban bị lật đổ, Trung Quốc mới nối lại quan hệ ngoại giao với Afghanistan.

Thực tế thì Bắc Kinh vẫn lo ngại Taliban nắm quyền trở lại ở Kabul. Giữa Trung Quốc và Afghanistan có đường biên giới chung dài 76 km, tỉnh biên giới Trung Quốc tiếp giáp với Afghanistan chính là tỉnh Tân Cương - nơi sinh sống của những người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Theo quan điểm của Trung Quốc, nhiều lực lượng có ý đồ tách tỉnh này khỏi lãnh thổ Trung Quốc để thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập. Bắc Kinh cho rằng giờ là lúc phải có biện pháp ngăn chặn việc các lực lượng Hồi giáo từ Tân Cương sử dụng Afghanistan làm địa bàn rút lui trong tương lai khi bị tấn công, truy quét.

Trong cuộc họp hồi cuối tháng Bảy vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được cho là đã thảo luận về chủ đề này với lãnh đạo Taliban. Sau cuộc hội đàm, ông Vương Nghị nói rằng ông hy vọng Afghanistan sẽ theo đuổi "các chính sách Hồi giáo ôn hòa."

Taliban thì hy vọng rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong lĩnh vực kinh tế của Afghanistan. Đất nước này cần nhận được các gói viện trợ quốc tế khẩn cấp. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào quốc gia láng giềng giàu tài nguyên nhưng bất ổn này.

[Tình hình Afghanistan: Taliban bổ nhiệm thêm nhiều vị trí chủ chốt]

Nhật báo Le Monde nhận định, Bắc Kinh đang muốn tham gia vào kế hoạch tái thiết của Afghanistan. Sự hiện diện của Trung Quốc về mặt kinh tế ở Afghanistan hiện nay rất hạn chế. Trên thực tế, quyền khai thác mỏ dầu Amu-Darya của một tập đoàn Trung Quốc đã được nhượng lại cho Afghanistan từ lâu và các khoản đầu tư của Trung Quốc vào mỏ đồng Mes Aynak cũng đã dừng lại.

Các nhà ngoại giao cấp cao châu Á giấu tên cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng chi hàng trăm triệu USD để tài trợ cho việc tái thiết cơ sở hạ tầng quan trọng ở Afghanistan. Các chuyên gia Trung Quốc cho hay các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án tài nguyên có thể theo sau một sự khôi phục trật tự cho nền kinh tế Afghanistan.

Quan điểm của Trung Quốc là có thể chấp nhận một chính quyền Taliban mới nếu có khả năng "xây dựng hình ảnh tích cực và theo đuổi chính sách rộng mở". Bắc Kinh tin rằng họ có một con bài để chơi đối với một Afghanistan "ổn định và cởi mở"; đó là công cuộc tái thiết đất nước và hội nhập một phần vào nền kinh tế nước này thông qua Pakistan, vốn là đối tác chiến lược lớn của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, phương thức can dự kinh tế của nước này có xu hướng không được người dân địa phương hưởng ứng. Bốn cuộc tấn công khủng bố đã được thực hiện nhằm vào các lợi ích của Trung Quốc ở Pakistan kể từ tháng Tư vừa qua.

Với Nga, Afghanistan tiếp tục có tầm quan trọng chiến lược. Tuy nhiên, lợi ích và các vấn đề của Nga ở nước này rất phức tạp. Một mặt, Moskva cần chính quyền Taliban duy trì ổn định ở Kabul và người dân Afghanistan không bị buộc phải di cư sang các quốc gia đồng minh Trung Á của Nga.

Mặt khác, Taliban không được thành công quá mức và trở thành hình mẫu cho các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Trung Á hoặc ở chính Nga.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Điện Kremlin cho rằng việc Taliban lãnh đạo Afghanistan gây ra cho Nga ít nguy cơ hơn cho Mỹ. Một trong những nhân vật quan trọng trong việc xây dựng chính sách Afghanistan của Nga là ông Samir Kabulov - đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngay từ đầu năm nay ông này đã tiến hành các cuộc đàm phán với các thủ lĩnh Taliban phía sau hậu trường, gần đây giữa hai bên cũng có các cuộc đàm phán công khai.

Sự ra đi của Mỹ đã thay đổi tính toán chiến lược mạnh mẽ đến mức, Nga phải đưa ra những phương án mới. Với quân đội Mỹ ở Afghanistan, Nga không phải lo lắng về việc đảm bảo biên giới của các đồng minh Trung Á, nhưng giờ đây Moskva đang chuẩn bị áp dụng một lập trường hoạt động tích cực hơn.

Ngoại trưởng Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã trao đổi quan điểm về tình hình Afghanistan hiện tại trong một cuộc điện đàm hôm 17/8. Ngoại trưởng Vương Nghị nói, Trung Quốc và Nga cũng nên làm việc cùng nhau để khuyến khích Taliban… nhằm đảm bảo rằng Chính phủ Afghanistan mới vạch ra giới hạn với các lực lượng khủng bố và chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố để tránh việc Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Ngoại trưởng Lavrov thì cho rằng những thay đổi ở Afghanistan đã gây ra nhiều phức tạp cho tình hình toàn cầu. Nga sẵn sàng cùng Trung Quốc theo dõi diễn biến tình hình và duy trì sự phối hợp chặt chẽ.

Andrey Serenko, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Afghanistan đương đại, nhận định rằng Nga rất có thể sẽ phải hợp tác với Trung Quốc: Giờ đây Trung Quốc có tất cả những con át chủ bài, Bắc Kinh ảnh hưởng đến Pakistan, vẫn giữ vai trò bên trong Afghanistan và Trung Quốc có tầm ảnh hưởng đối với Taliban. Vì vậy, chiến lược của Nga liên quan đến Afghanistan hiện nay sẽ phụ thuộc một phần vào Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.