Theo Tân Hoa xã, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã đề nghị đối thoại với nước láng giềng Ấn Độ nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các vấn đề song phương sau khi đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông thành lập chính phủ liên bang mới hồi tháng trước.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng ngày 26/7, Imran Khan nhận định rằng "nếu quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ tốt đẹp, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước."
Ông nhấn mạnh: "Ban lãnh đạo Pakistan và Ấn Độ nên ngồi vào bàn đàm phán và tìm cách hàn gắn các bất đồng. Nếu ban lãnh đạo Ấn Độ thiện chí, chúng tôi sẵn sàng cải thiện quan hệ với Ấn Độ... Việc Ấn Độ-Pakistan thiết lập một mối quan hệ hữu hảo là điều quan trọng nhất đối với khu vực và hai nước."
Giới chuyên gia tin rằng đề nghị của Thủ tướng Pakistan về việc đối thoại với Ấn Độ đã dẫn đến một cuộc tranh luận tại Ấn Độ, và nhiều người Ấn Độ cũng muốn chính phủ xúc tiến một cuộc đối thoại toàn diện với Pakistan.
Trong một cử chỉ khá thiện chí, Thủ tướng Ấn Độ Narendra đã gọi điện cho tân Thủ tướng Pakistan để chúc mừng ông nhậm chức và nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện quan hệ giữa 2 nước.
Ấn Độ đã ngừng đối thoại song phương với Pakistan vào tháng 4/2016 sau khi xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ không quân của Ấn Độ hồi tháng 1 năm đó, mà New Delhi đổ lỗi cho các tay súng ở Pakistan tiến hành.
Pakistan đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào và đề nghị hợp tác điều tra với Ấn Độ. Sau đó, Ấn Độ cũng tẩy chay hội nghị của Hiệp hội Nam Á về Hợp tác Khu vực mà Pakistan dự định tổ chức vào tháng 11/2016.
Juma Khan Sufi, nhà văn và cũng là nhà quan sát chính trị, cho rằng đề nghị của Imran Khan về việc đàm phán với Ấn Độ đã tạo ra một ảnh hưởng tích cực rộng khắp Ấn Độ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với hãng tin Tân Hoa xã, Sufi nói: "Tôi cho rằng Thủ tướng Pakistan nên tiếp tục giữ vững lời đề nghị đối thoại với Ấn Độ bởi cách tiếp cận này có thể giúp chấm dứt nhiều năm bế tắc trong các cuộc đàm phán song phương giữa Ấn Độ và Pakistan."
Sufi tin rằng đây sẽ là một diễn biến rất tích cực, vì vậy các nhà lãnh đạo chính trị cũng nên ủng hộ các chính sách của Khan để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp với Ấn Độ.
Ông nhấn mạnh: "Việc nối lại đối thoại chính thức sẽ không chỉ giúp thúc đẩy thương mại song phương và giao lưu giữa nhân dân hai nước mà còn mở đường cho những tiến bộ trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp giữa hai bên."
Dư luận Pakistan đã nhiệt liệt hoan nghênh tuyên bố của tân Thủ tướng về việc muốn thiết lập mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng, bao gồm cả Ấn Độ.
[Lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan thảo luận về hòa bình khu vực]
Muhammad Zia-ur-Rehman, Giáo sư của trường Đại học Quốc phòng ở Islamabad, cho rằng mối quan hệ "tan băng" với các nước láng giềng là điều then chốt trong chính sách ngoại giao của Pakistan.
Zia-ur-Rehman nói với Tân Hoa xã: "PTI luôn chỉ trích chính sách đối ngoại của các chính phủ tiền nhiệm, vì vậy, thách thức đối với đảng cầm quyền hiện giờ là phải đưa ra một chính sách đối ngoại tốt hơn, hiệu quả hơn và thành công hơn."
Ông cũng chỉ ra các thách thức tiềm tàng mà Thủ tướng Khan có thể phải đối mặt khi đưa ra các lựa chọn chính sách đối ngoại, đồng thời nói rằng chính phủ mới của Pakistan có thể sẽ sửa đổi chính sách này.
Dường như cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều có thiện ý giảm căng thẳng và nghiêng về giải pháp nối lại đối thoại. Ông cho rằng việc Thủ tướng Ấn Độ Modi gọi điện chúc mừng Thủ tướng Pakistan là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ sẵn sàng can dự với Pakistan.
Trong khi đó, có tin cho biết Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi nhiều khả năng sẽ gặp người đồng cấp Ấn Độ bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New Yor trong tháng 9 này.
Theo nhận định của giới phân tích, nếu cuộc gặp này diễn ra, đây có thể coi là cuộc gặp "phá băng" mối quan hệ song phương Ấn Độ-Pakistan./.