Trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34, ngày 18/12, Đài Truyền hình Việt Nam đã chủ trì tổ chức hội thảo quốc tế "Truyền thông mới - Những cơ hội và thách thức đối với các Đài Truyền hình trong kỷ nguyên Internet."
Hội thảo có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là những người làm truyền hình và các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các đại biểu đã giao lưu và trao đổi về thực tế và xu thế đang diễn ra của truyền hình trong kỷ nguyên Internet cũng như đề xuất những chiến lược, hướng phát triển nội dung, tầm nhìn về sản phẩm dịch vụ của mình để tồn tại trong kỷ nguyên truyền thông mới.
Thế giới truyền thông đang thay đổi nhanh chóng với làn sóng Internet thứ hai - Internet trên di dộng, kéo theo sự thay đổi của khán giả truyền hình. Khán giả truyền hình trong kỷ nguyên Internet ngày càng phân mảnh với yêu cầu xem truyền hình mọi nơi, mọi lúc trên mọi thiết bị.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong kỷ nguyên Internet không chỉ còn giữa các Đài Truyền hình với nhau mà tiềm tàng nhất chính là các các tập đoàn truyền thông, Internet, báo điện tử... Đây là các đại diện tiêu biểu của lĩnh vực truyền thông mới khi thời gian khán giả sử dụng Internet, mạng xã hội ngày càng tăng và thời gian xem truyền hình truyền thống ngày càng sụt giảm, đặc biệt là giới trẻ. Điều này dẫn đến xu thế chuyển dịch quảng cáo từ truyền hình sang không gian số. Đây là thách thức lớn nhất và không tránh khỏi mà các Đài Truyền hình phải đối mặt trong kỷ nguyên Internet.
Tuy nhiên truyền thông mới cũng mang lại cơ hội lớn cho các nhà sản xuất nội dung, trong đó truyền hình là nơi nắm giữ nguồn tài nguyên phong phú nhất. Cho nên việc nắm bắt cơ hội, sẵn sàng đón đầu thách thức, thay đổi tư duy chiến lược của Đài Truyền hình theo hướng truyền hình đa phương tiện là vấn đề cần được quan tâm trong kỷ nguyên truyền thông mới.
Đề cập tới chiến lược phát triển của các Đài Truyền hình trong kỷ nguyên truyền thông mới, ông Lee Dokyung, Giám đốc kênh và nội dung Đài Truyền hình KBS - Hàn Quốc, chia sẻ các đài truyền hình truyền thống trên thế giới đang phải đối mặt với một sự thay đổi công nghệ to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các khán giả của họ theo dõi chương trình truyền hình. Các đài truyền hình có nội dung phát sóng miễn phí không còn duy trì được vị thế độc tôn của mình, vì thế cần phải áp dụng các chiến lược phát triển mới để duy trì tầm ảnh hưởng của mình đối với khán giả.
Cùng với việc nâng cao chất lượng nội dung chương trình cần phải có hợp đồng về bản quyền sản phẩm để tích hợp trên nhiều thiết bị, nền tảng khác nhau như mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại... giúp khán giả tiếp cận truyền hình một cách dễ dàng nhất.
Ba năm trở lại đây, Đài KBS đã kết hợp chương trình truyền hình với mạng xã hội để tổ chức các sự kiện tiếp cận đến khán giả trên toàn thế giới, rồi mời họ đến Hàn Quốc tham gia, nhờ vậy đã thu hút được người xem và phát triển kinh doanh trên toàn thế giới.
Theo ông Kato Tatsuhito, Giám đốc nội dung Đài Truyền hình TBS, Nhật Bản, điện thoại thông minh đã độc chiếm thị trường điện thoại di động trong vòng hai năm.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ người xem truyền hình cũng thay đổi. Để thu hút sự tập trung của khán giả đến truyền hình thì cần đáp ứng yêu cầu khán giả có thể lựa chọn nội dung mà mình thích và xem truyền hình mọi lúc mọi nơi. Các nhà đài nên mở rộng lĩnh vực kinh doanh truyền hình trên Internet bằng cách sử dụng Internet như một phương tiện truyền thông để truyền tải thông tin và cũng xem đây là công cụ để khán giả tương tác với truyền hình.
Cùng ngày, trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc còn diễn ra hội thảo "Sản xuất chương trình Truyền hình về đề tài Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" và Triển lãm ảnh tác nghiệp của những người làm truyền hình./.