Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch trong sắc xanh trong cả phiên 24/8.
Dù vậy, chỉ số VN-Index đã thoái lui trước mốc 1.280 điểm vì áp lực bán dâng cao.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/8, VN-Index tăng 6,35 điểm lên 1.277,16 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của chỉ số này. Khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt gần 602 triệu đơn vị, tương ứng hơn 15.195,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 279 mã tăng giá, 172 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 2,16 điểm lên 301,3 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 74 triệu đơn vị, tương ứng trên 1.731 tỷ đồng. Toàn sàn có 113 mã tăng giá, 80 mã giảm giá và 66 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,52 điểm lên 93,3 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 45,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 968,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 215 mã tăng giá, 85 mã giảm giá và 59 mã đứng giá.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tiếp tục đà tăng mạnh sau phiên “bùng nổ” hôm qua (23/8). Cụ thể, nhóm dầu khí chỉ còn duy nhất PLX giảm nhẹ 0,5%; trong khi đó, PVC tăng 5,9%, POS tăng 4,2%, BSR tăng 4%, PVD tăng 3,1%, OIL tăng 2,3%, PVB tăng 2,2%, PTV tăng 1,2%, PVS tăng 0,4%.
Thực tế, cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực cũng đồng pha với sự đi lên của giá dầu. Giá dầu thế giới tăng gần 4% trong phiên giao dịch ngày 23/8, với khả năng lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm xuống và sau khi Saudi Arabia đề xuất Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu trong trường hợp nguồn cung dầu thô từ Iran quay trở lại.
Khép lại phiên 23/8, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3,9% lên 100,22 USD/thùng, mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 2/8. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 3,7% lên 93,74 USD/thùng, mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 11/8.
[Thêm một mã cổ phiếu họ FLC không được cấp giao dịch ký quỹ]
Cùng với cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu ngành hóa chất cũng tăng khá mạnh; trong đó, đáng chú ý là các cổ phiếu phân bón như VAF tăng 6%, DCM tăng tới 5,4%, LAS tăng 3,7%, DPM tăng 3,4%, BFC tăng 2,8%.
Các cổ phiếu ngành cao su như TNC tăng 5,8%, DRG tăng 5,1%, DRI tăng 4,2%, PHR và TRC đều tăng 3%, DPR tăng 2,2%, GVR tăng 0,8%.
Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, ôtô và phụ tùng có diễn biến rất tích cực. Tại nhóm ngân hàng, dù nhiều mã đảo chiều giảm giá như EIB, LPB, SHB, SSB, VIB..., nhưng nhóm cổ phiếu này vẫn là điểm tựa của thị trường.
Trong số 10 mã ảnh hưởng tích cực nhất lên thị trường có tới 4 mã cổ phiếu ngân hàng. Đáng chú ý, VCB tăng 2,2% có tác động rất lớn lên đà tăng của thỉ số VN- Index.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò quan trọng vào đà tăng của chỉ số VN-Index trong phiên hôm nay. Trong rổ cổ phiếu VN30 có 17 mã tăng giá, trong khi chỉ có 12 mã giảm giá và 1 mã đứng ở mốc tham chiếu.
Có thể nhận thấy rằng, mức tăng giảm của các mã cổ phiếu trong rổ VN30 là không lớn. Đáng chú ý, VNM tăng 2,5%, đây là mức tăng cao nhất rổ cổ phiếu VN30.
Ở chiều giảm giá, các cổ phiếu ngành chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Cùng đó, ngành bia và đồ uống, thép, phần mềm có diễn biến tiêu cực.
Dù thị trường chứng khoán liên tiếp phục hồi, nhưng khối ngoại phiên hôm nay bán ròng gần 162 tỷ đồng trên HOSE và 2,93 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 4,35 tỷ đồng trên HNX. Các mã bị bán ròng mạnh là DGC gần 69 tỷ đồng, tiếp đến SSI bị bán ròng 36,3 tỷ đồng, HPG bị bán ròng hơn 34 tỷ đồng./.