Cổ phiếu ngành ôtô bứt phá do thị trường 'ấm' dần dịp cuối năm

Đà hồi phục rõ nét của ngành ôtô trong những tháng cuối năm cùng với sự hứng khởi của thị trường chứng khoán Việt Nam giúp cổ phiếu ngành ôtô bứt phá mạnh mẽ.
Cổ phiếu ngành ôtô bứt phá do thị trường 'ấm' dần dịp cuối năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bước vào quý 4/2020, doanh số bán xe ôtô tăng mạnh mẽ cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường ôtô Việt Nam. Giới phân tích kỳ vọng trong năm 2021, thị trường xe ôtô tiếp nối đà hồi phục và sẽ đạt hơn 330.000 chiếc.

Cùng với sự “ấm” lên của thị trường ôtô, cổ phiếu ngành này cũng được đà tăng tốc.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tính chung tổng lượng bán hàng của toàn thị trường thuộc các đơn vị thành viên VAMA trong 11 tháng năm 2020 đạt 248.768 xe các loại, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, khi nhìn vào mức tiêu thụ từng tháng có thể thấy thị trường ôtô đang trên đà phục hồi. Cụ thể, trong tháng 9/2020, thị trường ôtô Việt Nam đạt doanh số 27.252 xe, tăng 32%; tháng 10 đạt 33.254 xe, tăng 22% và tháng 11 có 36.359 xe được tiêu thụ, tăng 9% so với tháng trước.

Trong tháng 11, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 23.509 xe, tăng 15% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.850 xe, tăng 0,7% so với tháng trước.

Theo quan điểm của BVSC, tỷ trọng của xe lắp ráp trong nước tăng đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận gộp (chỉ số cho biết số tiền lãi mà công ty kiếm được trong một khoảng thời gian nhất định) của các doanh nghiệp kinh doanh dòng xe này có khả năng tăng.

[Thị trường ôtô trong nước bứt tốc mạnh mẽ tháng cuối năm]

Trong khi doanh số bán hàng trong ngành sẽ tiếp tục chứng kiến sự phục hồi, những công ty có tỷ lệ kinh doanh dòng xe lắp ráp trong nước lớn sẽ có lợi thế để tiếp tục là những người hưởng lợi chính trong hai tháng cuối năm.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng nhu cầu tăng cao đối với xe lắp ráp trong nước là do người tiêu dùng tranh thủ mua xe trước khi Chính phủ kết thúc chính sách kích cầu.

Thực tế, tiêu thụ xe lắp ráp trong nước khả quan phần lớn được thúc đẩy bởi chính sách kích thích của Chính phủ (cắt giảm 50% lệ phí trước bạ, có hiệu lực từ ngày 28/6 đến 31/12/2020) để giúp các doanh nghiệp địa phương sản xuất và lắp ráp xe ôtô trong nước.

“Sự phục hồi tích cực của ngành cho thấy người tiêu dùng có thu nhập ở tầm trung và cao hơn, ít phải chịu những tác động từ đại dịch COVID-19," BVSC nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, BVSC cho rằng sản lượng tiêu thụ của ngành ôtô phục hồi rõ ràng hơn vào quý 4/2020 do quý 4 thường là mùa cao điểm của thị trường ôtô tại Việt Nam, khi các nhà sản xuất ôtô tích cực tung ra các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu mua xe lần đầu và thay thế trong dịp Tết.

Đà hồi phục rõ nét của ngành ôtô, cùng với sự hứng khởi của thị trường chứng khoán giúp cổ phiếu ngành ôtô bứt phá mạnh mẽ. Có thể kể đến cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Đây là doanh nghiệp có liên doanh với Toyota, Honda và Ford.

Tính từ đầu tháng 10 đến hết phiên 25/12, cổ phiếu VEA tăng hơn 28,4%. Mức tăng này hòa với đà hứng khởi của thị trường chung.

Ngoài ra, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cũng có chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn. Ngày 21/12 vừa qua, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp đã phê duyệt việc chi trả cổ tức tiền với tỷ lệ 52,529%, tương ứng với việc cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 5.252,9 đồng cho năm 2019. Ngày đăng ký cuối cùng dự kiến là 5/1/2021 và ngày thanh toán là 5/2/2021.

Với gần 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEA sẽ chi xấp xỉ 6.980 tỷ đồng để trả cổ tức cho các chủ sở hữu, trong đó, cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 88,5% cổ phần là Bộ Công Thương dự kiến thu về hơn 6.175 tỷ đồng.

Tiếp đến là cổ phiếu HAX của Công ty Cổ phần Dịch vụ ôtô Hàng Xanh. Cổ phiếu này tăng gần 39% kể từ đầu tháng 10 đến nay.

Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ổn định sẽ làm tăng nhu cầu mua xe của người dân. Do đó, với vị thế là một trong hai nhà phân phối lớn nhất của Mercedes Benz tại Việt Nam, HAX có nhiều tiềm năng để tăng trưởng trong tương lai.

Một doanh nghiệp chuyên cung cấp nhiều dòng lốp phù hợp cho các dòng xe tại Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự “ấm” lên của thị trường ôtô là Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán: DRC). Cổ phiếu của công ty này cũng tăng hơn 13% kể từ đầu tháng 11.

Theo DRC, bất chấp lũ lụt giữa tháng 10 ở miền Trung, sản lượng tháng 10 và tháng 11 của DRC vẫn ổn định. Các chuyên gia từ BVSC cho rằng kết quả tích cực là nhờ hoạt động xuất khẩu khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gia tăng bình thường hóa.

BVSC kỳ vọng việc cắt giảm phí trước bạ dòng xe lắp ráp trong nước sẽ tác động lan tỏa đến việc tiêu thụ lốp xe nội địa. Bên cạnh đó, điểm tích cực nữa là nợ dài hạn của DRC giảm mạnh xuống chỉ còn 1 tỷ đồng vào cuối tháng 11.

Quan điểm lạc quan của BVSC về thị trường ôtô của Việt Nam dài hạn không thay đổi, dựa trên sự kết hợp của tỷ lệ sở hữu ôtô ở mức thấp của Việt Nam, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và cơ sở hạ tầng cải thiện.

Với sự ấm lên của thị trường ôtô, chuyên gia từ BVSC dự báo đến năm 2021, sản lượng ôtô của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, đạt khoảng 330.315 chiếc.

Theo Bộ Công Thương, tiềm năng phát triển công nghiệp ôtô phụ thuộc vào 3 yếu tố quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân.

Tại Việt Nam, xu thế ôtô hóa sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình đạt 50 xe/1.000 dân. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân. Dự kiến, nhu cầu tiêu thụ ôtô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục