Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 6/8 cho rằng còn quá sớm để khẳng định cần tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Đức và Pháp lên kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine ngừa COVID-19 cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội vào tháng 9 tới, bất chấp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 4/8 kêu gọi ngừng tiêm mũi bổ sung cho đến khi có nhiều người hơn trên thế giới được tiêm chủng.
Trong thông báo ra ngày 4/8, EMA nêu rõ: ""Hiện vẫn còn quá sớm để xác nhận liệu có phải và khi nào cần tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19, bởi hiện chưa có đủ dữ liệu từ các chương trình tiêm chủng cũng như các nghiên cứu đang diễn ra để hiểu vaccine có thể bảo vệ trong bao lâu."
Trước đó, giữa tháng 7 vừa qua, EMA cũng ra tuyên bố cho biết cần phải có thêm dữ liệu trước khi đưa ra khuyến cáo về các mũi tiêm bổ sung.
[Israel, Chile triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba]
Tuy nhiên, Đức dự định sẽ tiêm mũi bổ sung cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người già và những người sống ở viện dưỡng lão từ tháng 9 tới. Pháp cũng đang xúc tiến việc triển khai tiêm mũi thứ 3 cho người cao tuổi và đối tượng dễ bị tổn thương từ tháng tới.
Sau khi Đức, Pháp công bố kế hoạch trên, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết các nước có quyền đưa ra quyết định về tiêm chủng, song việc tiêm mũi bổ sung cũng như các vấn đề khác cần dựa trên bằng chứng khoa học, phù hợp với khuyến nghị của EMA.
Theo EMA, hiện cơ quan này đang thảo luận với các nhà sản xuất về kế hoạch thu thập dữ liệu về mũi bổ sung. Moderna và Pfizer cho rằng thế giới sẽ sớm cần tiêm mũi bổ sung để duy trì độ miễn dịch cao.
Trong khi đó, WHO cũng tỏ ra thận trọng trước việc thiếu dữ liệu về mũi vaccine ngừa COVID-19 bổ sung. Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, một người phát ngôn của WHO nêu rõ chưa thể biết khi nào và liệu có cần đến mũi bổ sung hay không.
Trong những tháng gần đây, EU đã dự trữ hàng tỷ liều vaccine từ các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19, cho rằng lượng vaccine này sẽ được dùng để tiêm mũi bổ sung cũng như chống các biển thể mới, hoặc viện trợ cho các nước nghèo hơn trong thời gian tới.
Theo một tài liệu nội bộ của WHO trong tháng 6, Liên hợp quốc đã tính tới khả năng phải tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19 hàng năm cho đối tượng dễ bị tổn thương nhất, song quan ngại điều này có thể khiến các quốc gia nghèo phải chờ đợi lâu hơn mới có thể tiếp cận được vaccine./.