Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện cả nước có 1.702 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được kiểm soát với sự tham gia của một số tập đoàn lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát đạt yêu cầu an toàn thực phẩm đạt 97,5%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bước vào giai đoạn dễ thở sau khó khăn]
Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 99,6% (tăng 4,9%).
Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 89% (tăng 14%).
Bên cạnh việc xây dựng và phát triển mô hình, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chủ động trong xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại các thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam.
Bộ cũng tổ chức diễn đàn/ hội nghị thúc đẩy giao thương nông lâm thủy sản Việt-Trung; tiếp tục xử lý các vướng mắc liên quan đến đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành hướng dẫn các địa phương tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; xây dựng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông lâm thủy sản tại địa phương từ vùng nguyên liệu, nhà máy, chợ/trung tâm thương mại, xuất khẩu.
Các đơn vị của Bộ tiếp tục thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam và tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.
Ngành cũng chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiệm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm; đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thông báo kết quả xếp hạng các địa phương về triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2022.
Năm 2022, có 42 tỉnh, thành phố được xếp hạng vào nhóm địa phương triển khai tốt; các tỉnh, thành phố còn lại vào nhóm địa phương triển khai đạt yêu cầu.
So với năm 2021, tăng thêm 6 tỉnh, thành phố được xếp hạng vào nhóm địa phương triển khai tốt./.