“Cỗ xe tam mã” trên đường đua với “Vành đai và Con đường”

“Cỗ xe tam mã” trên đường đua với "Vành đai và Con đường"

Mỹ, Nhật Bản và Australia đã nhất trí đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong một động thái được coi là đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: chinadialogue.net)

Theo Trang mạng Bloomberg, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã nhất trí đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong một động thái được coi là đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

“Quan hệ đối tác ba bên này là sự thừa nhận cần có sự ủng hộ nhiều hơn nữa để tăng cường hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nêu rõ trong một tuyên bố hôm 30/7.

Theo tuyên bố được phát qua thư điện tử của bà Bishop, hiệp định đối tác 3 bên này sẽ huy động vốn đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, du lịch và cơ sở hạ tầng công nghệ, song không có thêm bất kỳ chi tiết gì về việc cấp vốn.

[Australia, Nhật, Mỹ thúc đẩy các dự án tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Hồi tháng 2/2018, bà Bishop nói rằng 3 nước, cùng với Ấn Độ, đã thảo luận các cơ hội nhằm giải quyết “nhu cầu to lớn về cơ sở hạ tầng” trong khu vực vốn bao gồm một số quốc gia nghèo nhất và các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới đây, Ấn Độ không được đề cập.

Tuyên bố về hợp tác trên được đưa ra sau khi tài liệu Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng 12/2017 đã kêu gọi các nước thực hiện các chính sách nhằm đáp lại những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của các cường quốc đối địch với Mỹ. “Đầu sỏ” trong số này là Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Sáng kiến trị giá hơn 1,3 nghìn tỷ USD này là một kế hoạch nhằm xây dựng hoặc mở rộng các cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, đường sắt, hải cảng…) trên phạm vi toàn cầu trong vòng 10 năm tới.

Hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng giữa Mỹ với Nhật Bản và Australia sẽ “khớp” với các chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Trump, vốn coi Mỹ đang ở trong “cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài” với Trung Quốc và Nga. Trước chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 11/2017, Trump đã ký 2 thỏa thuận với Nhật Bản, cam kết hợp tác về các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Trước thềm chuyến công du châu Á giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington tin tưởng vào “mối quan hệ đối tác chiến lược, chứ không phải mối quan hệ lệ thuộc chiến lược”- một công kích rõ ràng nhằm vào Bắc Kinh khi “người khổng lồ châu Á” này nỗ lực ve vãn các nước khác với các khoản vốn vay “bèo bọt” nhất cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Như một cách lôi kéo, ông Pompeo nói rằng đối với các công ty Mỹ, các công dân toàn cầu hiểu rằng những gì họ mong muốn là những gì họ nhận được: đó là những hợp đồng trung thực, các điều khoản trung thực và không cần những chi phí “đi đêm.” Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định một lợi thế nữa của Washington là “chúng tôi sẽ không để xảy ra tình trạng cưỡng ép hoặc áp đặt sự chi phối của nước lớn.” 

Theo nhận định của Stephen Kirchner, Giám đốc chương trình đầu tư và thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, có khả năng ông Pompeo sẽ tuyên bố về các thỏa thuận cấp vốn của hiệp định đối tác 3 bên nói trên trong chuyến công du châu Á này, vốn bao gồm Malaysia, Singapore và Indonesia.

“Điều này nhằm tạo cơ chế cho phép có nhiều lĩnh vực tư nhân hơn tham gia vào quá trình cấp vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà các nước trong khu vực cần,” ông Kirchner giải thích. Điều này cũng có nghĩa là hiệp định đối tác 3 bên này sẽ triển khai thực hiện các vốn vay từ các thể chế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á theo nhiều cách khác nhau.

Tuyên bố về hiệp định đối tác 3 bên trên được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đang ở giai đoạn căng thẳng kể từ tháng 12/2017 khi Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các công việc chính trị nội bộ, buộc Canberra thông qua các đạo luật chống can thiệp từ bên ngoài. Trung Quốc hồi tháng 1/2018 cũng đã trao công hàm phản đối Australia sau khi Bộ trưởng về phát triển quốc tế Concetta Fierravanti-Wells nói rằng kế hoạch Vành đai và Con đường sẽ tạo nên “những tòa nhà vô dụng” và “những con đường chẳng dẫn đến đâu.” 

Tuy nhiên, khi được hỏi, Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo nói rằng hiệp định đối tác 3 bên nói trên không nhằm đối trọng với Trung Quốc đồng thời hy vọng Bắc Kinh sẽ không “phản ứng”.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục