Colombia có khả năng lùi thời điểm ký thỏa thuận hòa bình

Tổng thống Colombia thừa nhận khả năng có thể lùi thời gian ký thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ nước này với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) sau ngày 23/3.
Colombia có khả năng lùi thời điểm ký thỏa thuận hòa bình ảnh 1Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/1, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thừa nhận khả năng có thể lùi thời gian ký thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ nước này với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) sau ngày 23/3 tới, tuy nhiên khẳng định đây không phải là sự thất bại trong tiến trình hòa đàm.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trả lời phỏng vấn tờ El Tiempo của Colombia, Tổng thống Santos cho rằng việc kéo dài thời gian không đồng nghĩa với việc đàm phán bị đổ vỡ và khẳng định chính phủ đang nỗ lực hết sức để có thể thực hiện đúng lộ trình đã đưa ra với FARC hồi tháng 9/2015.

Ông nhấn mạnh cả hai bên đều chưa đề cập tới việc lùi lại thời gian ký thỏa thuận hòa bình.

Nhà lãnh đạo Colombia cũng cho rằng việc giao nộp vũ khí của các binh sỹ FARC sẽ được thực hiện qua một tổ chức quốc tế, có thể là Liên hợp quốc.

Ông cho biết trong vòng đàm phán thứ 45 đang diễn ra tại thủ đô La Habana của Cuba, hai bên đang thảo luận về vấn đề này.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Colombia đề cập tới việc khó có thể hoàn thành ký thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn với FARC trước ngày 23/3 như đã đề ra.

Hồi tuần trước, FARC cũng cảnh báo khả năng ký thỏa thuận hòa bình theo dự kiến là gần như không khả thi, bởi tồn tại những bất đồng đáng kể giữa hai bên.

Cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim nhận định Colombia là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nổi bật ở Mỹ Latinh, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ nước này trong tiến trình hòa đàm với FARC.

Phát biểu tại cuộc hội thảo về kinh tế được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm Colombia của ông Kim, với sự có mặt của Tổng thống Santos, người đứng đầu WB đánh giá kinh tế vĩ mô của nước Nam Mỹ rất vững chắc.

Chủ tịch WB cho rằng nền kinh tế Colombia đa dạng hơn rất nhiều so với các nền kinh tế khác ở Mỹ Latinh, mặc dù giá dầu giảm nhưng nước này bị ảnh hưởng không nhiều trong khi nhiều quốc gia khác đang rất khó khăn.

Liên quan tới tiến trình hòa đàm, ông Kim hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Colombia và FARC, đồng thời khẳng định WB sẽ giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, thúc đẩy giáo dục và phát triển bền vững tại các khu vực nông thôn.

Ông cũng cho rằng cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 thập kỷ qua tại nước Nam Mỹ đã làm ảnh hưởng tới sự phát triển của một số lĩnh vực tiềm năng như du lịch.

Ông bày tỏ hy vọng hai bên sẽ sớm ký kết thỏa thuận hòa bình trong tương lai gần. Cho tới nay, nhiều tổ chức và quốc gia trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Pháp và Italy đã cam kết giúp đỡ Colombia trong giai đoạn hậu chiến.

Cuộc xung đột tại Colombia liên quan đến một số bên, trong đó có các nhóm bán quân sự cánh hữu, các lực lượng du kích cánh tả nhỏ hơn và những kẻ buôn bán ma túy quốc tế.

Trong 3 năm qua, Chính phủ Colombia và FARC đã tiến hành đàm phán tại Cuba nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài nhất ở Mỹ Latinh, vốn khiến 230.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa từ năm 1964.

Mặc dù tiến trình đàm phán chỉ diễn ra giữa FARC và Chính phủ Colombia nhưng hai bên đã nhất trí mở rộng lệnh ân xá cho các cựu binh bán quân sự.

Ngay khi đạt được nhất trí mang tính đột phá hôm 23/9/2015, hai bên đã ấn định thời hạn chót 6 tháng để đạt được thỏa thuận cuối cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.