'Cơn ác mộng" nào có thể khiến đồng USD bị 'thất sủng'?

Trung Quốc sẽ loại bỏ được mọi rào cản để thuyết phục các đối tác thương mại quốc tế chuyển từ đồng USD sang đồng tiền mới của họ. Nếu họ thu hút được đủ số người dùng thì USD có thể sẽ gặp rắc rối.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin asiatimes, Billy Bambrough đã viết trên tạp chí Forbes rằng cuộc đấu tranh quyền lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc có thể là nét đặc trưng định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông, cho tới khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) xảy ra.

Đại dịch này - và kéo theo đó là việc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa - đã tàn phá các thị trường toàn cầu và đẩy các nhà đầu tư trên toàn thế giới tìm kiếm sự an toàn trong đồng USD "thần thánh."

Tuy nhiên, những ngày tháng đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới có thể sẽ không còn nữa, trong bối cảnh đồng tiền do ngân hàng trung ương phát hành của nhiều chính phủ sắp có một số những thay đổi lớn nhất từ trước tới nay - và Trung Quốc đang đi đầu trong lĩnh vực này.

Những cuộc thảo luận thông thường xoay quanh chủ đề các đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành, đôi khi còn được gọi tắt là CBDC, đã diễn ra trong một vài năm gần đây. Các đồng tiền điện tử sẽ có chức năng giống như tiền xu và tiền giấy thông thường do các ngân hàng trung ương phát hành, nhưng hoàn toàn tồn tại dưới dạng trực tuyến.

Thay vì được in hoặc đúc ra, các ngân hàng trung ương sẽ phát hành đồng đôla điện tử thông qua các tài khoản trực tuyến - tương tự các ứng dụng của các ngân hàng thương mại đang bùng nổ trong những năm gần đây.

Về mặt lý thuyết, các chủ sử dụng lao động có thể trực tiếp trả tiền vào các tài khoản chịu sự quản lý của chính phủ này, và các cửa hàng trên mạng cũng như các cửa hàng thông thường có thể chấp nhận việc thanh toán từ những tài khoản này.

Việc mua bán ngoại hối cũng có thể được thực hiện thông qua các tài khoản trực tuyến, giúp nới lỏng dòng chảy thương mại quốc tế.

Cuộc tranh luận kéo dài giữa các ngân hàng trung ương về nhu cầu phát hành tiền điện tử đã trở nên gay gắt hơn kể từ cuối năm ngoái khi xuất hiện tin tức về dự án đồng libra của Facebook - điều khiến đa phần mọi người cho rằng “gã khổng lồ” về mạng truyền thông xã hội này đang tự nâng mình lên thành một ngân hàng trung ương và phát hành đồng tiền toàn cầu đầu tiên.

[Thị trường tài chính biến động do lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung]

Các nhà lãnh đạo và điều hành trên thế giới đã kịch liệt chỉ trích dự án này của Facebook. Trong một tràng đả kích đăng trên Twitter hồi năm ngoái để phản đối đồng libra của Facebook, cũng như đồng bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác, Tổng thống Trump đã viết: “Chúng ta chỉ có một loại tiền tệ ở Mỹ, và hiện đồng tiền đó đang mạnh hơn bao giờ hết, cả về tính tin cậy cũng như độ chắc chắn."

Ông còn viết: “(Đồng USD) cho tới nay là đồng tiền có ảnh hưởng lớn nhất ở bất cứ đâu trên thế giới, và nó sẽ luôn là như vậy."

Libra được lên kế hoạch phát hành vào cuối năm nay, cho dù đã bị Giám đốc điều hành của Facebook là Mark Zuckerberg giảm bớt quy mô so với dự tính ban đầu.

Một số nghị sỹ Mỹ đã đề xuất tạo ra đồng đôla điện tử và cái gọi là FedAccounts (các tài khoản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) như một phần của các dự luật kích thích kinh tế được đưa ra nhằm bù đắp lại những thiệt hại kinh tế do Mỹ phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Những đề xuất này cho tới nay chưa được đưa vào những dự luật cuối cùng và có thể sẽ chẳng bao giờ được thông qua tại một Quốc hội bị chia rẽ, do đó có khả năng đồng libra của Facebook sẽ trở thành đồng đôla điện tử trên thực tế.

Glen Goodman - một tác giả chuyên viết về tài chính và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại, người đã làm nên tên tuổi của mình khi xác định được hướng đi đúng đắn tại các thị trường chứng khoán trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang theo dõi sát sao sự phát triển của các đồng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành - nói: “Cuộc chiến lớn nhất nhằm giành vị trí thống trị toàn cầu về tài chính có thể là giữ đồng nhân dân tệ điện tử và đồng libra của Facebook - phiên bản điện tử của đồng USD."

Ông nói thêm: “Cả hai đồng tiền này có thể sẽ được phát hành ngay trong năm nay và sẽ giúp việc mua, bán và chuyển tiền từ nơi này đến nơi kia trở nên nhanh chóng hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn. Trung Quốc sẽ loại bỏ được mọi rào cản để thuyết phục các đối tác thương mại quốc tế chuyển từ đồng USD sang đồng tiền mới của họ. Nếu họ thu hút được đủ số người dùng thì đồng USD có thể sẽ gặp rắc rối."

Chiến tuyến đã được vạch rõ nhưng chiến tranh sẽ được cân nhắc trong nhiều thập kỷ chứ không chỉ là vài năm. Các phóng viên của tờ Economist nổi tiếng đã viết: “Do có những rủi ro đi kèm với việc chuyển đổi như vậy, nên Trung Quốc sẽ tiến hành kế hoạch phát hành CBDC một cách rất chậm rãi."

Các phóng viên này cũng trích dẫn phân tích của Citic Securities trong đó ước tính sẽ phải mất “nhiều năm để đồng nhân dân tệ điện tử thay thế được 10% tất cả số tiền giấy ở Trung Quốc."

Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump có thể đã được đánh dấu bằng cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc nhưng nếu ông thắng cử nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ đi vào lịch sử là tổng thống đầu tiên chứng kiến đồng USD bị thất sủng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục