Giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp của hai tuần trong phiên 21/4

Giá vàng giao ngay trong phiên 21/4 giảm 1,3% xuống còn 1.671,68 USD/ounce vào lúc 0 giờ 33 phút (ngày 22/4 theo giờ Việt Nam).
Một cửa hàng kim hoàn tại Yangon của Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một cửa hàng kim hoàn tại Yangon của Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phiên 21/4, giá vàng thế giới giảm hơn 1% xuống mức thấp của gần 2 tuần khi các nhà đầu tư bán vàng lấy tiền mặt để bù lỗ cho các loại tài sản khác, chủ yếu do sự cố trên thị trường dầu mỏ.

Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống còn 1.671,68 USD/ounce vào lúc 0 giờ 33 phút (ngày 22/4 theo giờ Việt Nam).

Trước đó trong cùng phiên, kim loại quý này đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/4 vừa qua là 1.659,68 USD/ounce.

Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn phiên này cũng lùi 1,4% xuống khép phiên ở mức 1.687,80 USD/ounce.

Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures, nói rằng sự lao dốc của giá dầu đã khiến toàn bộ thị trường hàng hóa đi xuống.

Rất nhiều nhà đầu tư đang rời bỏ các lệnh nắm giữ với thái độ chờ-và-xem để đánh giá liệu tác động từ cú sốc trên thị trường năng lượng có tiếp tục lan tỏa sang thị trường kim loại quý hay không.

Giá dầu Brent cùng phiên đã giảm khoảng 25% xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, một ngày sau khi các thương nhân hoảng loạn đã đẩy giá dầu WTI của Mỹ xuống mức gần -40 USD/thùng vì lo ngại về một đợt dư thừa nguồn cung lịch sử do nhu cầu bị “phá hủy” bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

[Hai thương hiệu vàng trong nước chênh nhau gần 2 triệu đồng mỗi lượng]

Bên cạnh những gì đã diễn ra với giá dầu thô của Mỹ, các báo cáo kinh doanh ảm đạm cũng gây ra nhiều lo ngại về thiệt hại lâu dài từ đại dịch lên nền kinh tế toàn cầu.

Ông Lukman Otunuga, nhà phân tích của sàn giao dịch tiền tệ trực tuyến FXTM, cho biết sự sụp đổ lịch sử của giá dầu và nỗi lo ngày một gia tăng về nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể tạo ra một đợt bán tháo lấy tiền mặt khác. Điều này về cơ bản khiến vàng chịu nhiều rủi ro xuống giá khi đồng USD tăng giá.

Vàng, vốn được coi là một kênh an toàn trong thời điểm bất ổn về chính trị và tài chính, đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ một kênh trú ẩn an toàn khác là đồng USD.

Tuy nhiên, vàng lại được định giá bằng đồng bạc xanh, khiến việc đồng USD mạnh lên sẽ làm cho vàng đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Phiên này, Chỉ số đồng USD - “thước đo” sức khỏe của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - tăng 0,41 điểm lên mức 100,37, càng khiến vàng mất dần sức hấp dẫn.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạch kim đã giảm 3,3% xuống còn 745,29 USD/ounce và giá bạc giảm 4,3% xuống còn 14,71 USD/ounce.

Kết thúc phiên 21/4, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,55-48,22 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.