Cơn sốt "ảo" trò chơi Pokemon Go và những nguy cơ có thật

Pokemon Go đang gây nên "cơn sốt" sau khi xuất hiện tại Việt Nam và với số lượng người tham gia “khủng,” nhiều nguy cơ không hề "ảo."
Ảnh minh họa. (Nguồn: Forbes)

Không thể phủ nhận Pokemon Go là một trò chơi (game) mới lạ và thú vị. Mới chỉ xuất hiện vài ngày ở Việt Nam nhưng trò chơi này đã thu hút đông đảo người chơi.

Tại những nơi công cộng, trong các công sở, trên đường phố..., chúng ta đều có thể bắt gặp những người đang say sưa chơi Pokemon Go.

So với các game truyền thống thường buộc người chơi ngồi một chỗ, Pokemon Go lại hướng người chơi đến sự vận động. Do vậy, trò chơi mới này nhanh chóng trở thành hiện tượng game với người tham gia “khủng” về số lượng và “dị” về cách chơi.

Tuy nhiên, khi cộng đồng quá say mê trò chơi này, nhiều rủi ro có thể xảy ra.

Do quá mải mê bắt thú ảo, nhiều người đã gặp tai nạn trong khi di chuyển. Đặc biệt, với điều kiện an toàn giao thông ở Việt Nam, việc quá chăm chú vào màn hình điện thoại, dừng đỗ xe bất thường khi đang đi trên đường có thể gây tai nạn, ách tắc giao thông, thậm chí dẫn đến việc bị cướp giật điện thoại đối với người chơi.

Ham mê đi săn Pokemon, người chơi còn có thể bị dụ dỗ vào những chỗ vắng người, nguy hiểm, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu có hành vi nguy hiểm đối với người chơi.

Bên cạnh những rủi ro, tai nạn do quá ham mê chơi game gây ra cho trực tiếp người chơi, vấn đề về an toàn mạng và bảo mật thông tin cá nhân xoay quanh game này đang là điều thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Tập đoàn Công nghệ Bkav Ngô Tuấn Anh: "Mới chỉ được phát hành tại Việt Nam từ ngày 6/8 nhưng Pokemon Go nhanh chóng trở thành một cơn sốt. Chính điều này có thể sẽ khiến người chơi gặp phải những rủi ro về an ninh mạng như cài đặt nhầm các ứng dụng giả mạo. Đồng thời, người chơi có nguy cơ đối mặt với khả năng bị mã độc tấn công hệ thống mạng thông tin."

Hiện nay, các chuyên gia công nghệ của Tập đoàn Công nghệ Bkav đã phân tích một số ứng dụng Pokemon Go giả mạo và đã tìm thấy mã độc có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng.

Ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ thêm, để chơi game Pokemon Go, người chơi cần bật tính năng định vị (GPS) và camera. Như vậy, về mặt kỹ thuật, từ tập hợp các vị trí và hình ảnh xung quanh những vị trí đó, nhà sản xuất game có thể dựng lại thông tin bản đồ, địa hình thực tế chính xác từ những người chơi. Dữ liệu thu được nếu bị dùng vào mục đích xấu sẽ biến Pokemon Go trở thành một phần mềm gián điệp nguy hiểm.

Nếu người dùng chơi Pokemon Go tại những địa điểm quan trọng và nhạy cảm không được phép quay phim, chụp ảnh, các thông tin này có thể vô tình bị lộ. Đây chính là lý do nhiều quốc gia e ngại vấn đề an ninh khi những thông tin này bị sử dụng với mục đích xấu, ông Tuấn Anh nói.

Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định Pokemon Go không phải là trò chơi giải trí đơn thuần. Đây chính là "công cụ cấp cao" mà công ty Niantic phát triển để thu thập các thông tin trên bề mặt Trái Đất. Với việc đòi hỏi hầu hết các quyền bao gồm: truy cập vào camera, microphone, con quay hồi chuyển, GPS, thiết bị cắm (bao gồm USB)... khi cài đặt, cũng như cách chơi theo dạng tương tác thực tế cho phép camera thu nhận mọi hình ảnh ngoài đời thực, hầu như mọi dữ liệu đều bị lưu lại, chủ yếu là hình ảnh và âm thanh.

Với những điểm đặc biệt như vậy, ông Nguyễn Chí Thành, Chánh Văn phòng Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho rằng việc chơi Pokemon Go sẽ thật sự hữu ích đối với ứng dụng bản đồ của Google. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trò chơi này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi người chơi đi vào khu vực cấm. Vì vậy, Iran đã cấm trò chơi này trong khi Trung Quốc hạn chế sử dụng Internet nên trò chơi này khó triển khai.

Thêm vào đó, để chơi Pokemon Go, người dùng phải truy cập vào tài khoản Gmail của mình và liên tục kết nối với hệ thống máy chủ, tức là ứng dụng này có tính năng thu thập thông tin, dữ liệu.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, điều này có thể dẫn đến nguy cơ cao bị tấn công vào tài khoản, dẫn đến bị lộ, lọt thông tin cá nhân. Do vậy, người chơi cũng cần cân nhắc khi quyết định có chơi game Pokemon Go hay không.

Đối với lo ngại ứng dụng Pokemon Go bị cài mã độc, Bkav khẳng định qua kiểm tra, các phiên bản chính thức game Pokemon Go trên App Store và Google Play không có mã độc. Hiện nay, Pokemon Go đã có bản chính thức tại Việt Nam. Do đó, nguy cơ các đối tượng xấu ra các ứng dụng nhái Pokemon Go để lừa, dụ người dùng sử dụng nhằm phát tán mã độc đã giảm bớt, song khả năng nhiễm mã độc vẫn còn. Vì vậy, người dùng cần cẩn trọng khi cài phần mềm, chỉ cài từ kho chính thống Google Play hoặc App Store, không nên tải các phiên bản từ nguồn bất kỳ trên mạng.

Pokemon Go là game thực tế ảo mới được xây dựng dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên do Nintendo và hãng Niantic Labs sáng tạo ra. Ứng dụng game được cài đặt và chơi bằng điện thoại di động thông minh có kết nối mạng Internet. Trong game, người chơi đóng vai là huấn luyện đi bắt những con thú ảo Pokemon.

Để chơi game này, người chơi phải di chuyển và bản đồ trong game được xây dựng dựa trên thực địa để bắt giữ, huấn luyện và chiến đấu với "thú nuôi" ảo Pokemon. Điểm hấp dẫn là Pokemon ẩn nấp trong các địa điểm ngoài đời thực.

Khi tìm ra một con Pokemon, người chơi hướng điện thoại về phía đó và Pokemon sẽ hiện trên màn hình. Người chơi bị cuốn vào đam mê và vô cùng thích thú khi “săn" những con thú rất hiếm, ít khi xuất hiện và có cấp độ (level) cao. Là trò chơi ảo nhưng gắn liền với định vị ngoài đời thực, Pokemon Go lập nhiều kỷ lục trên các kho ứng dụng kể từ khi ra mắt đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục