Công bố kết quả kiểm tra về phòng, chống tham nhũng tại Gia Lai

Theo kết quả kiểm tra, trong quá trình triển khai thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tỉnh Gia Lai đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Ngày 19/9, Đoàn Kiểm tra số 04 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đã công bố kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai.

Theo kết quả kiểm tra, trong quá trình triển khai thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tỉnh Gia Lai đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định.

Đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cục tiến hành chưa thường xuyên.

Kết quả phát hiện, chuyển giao nguồn tin về tội phạm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp qua công tác kiểm tra, giám sát, tự thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo trong nội bộ chưa nhiều.

Bên cạnh đó, những đối tượng tham nhũng, sai phạm về kinh tế, tiêu cực thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết, có chuyên môn sâu nên thủ đoạn phạm tội tinh vi, nhất là thủ đoạn đối phó với cơ quan điều tra, rất khó cho công tác phát hiện và thu thập chứng cứ.

[Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước đột phá mạnh mẽ]

Việc kết luận giám định trong một số lĩnh vực, nhất là xây dựng cơ bản, quản lý bảo vệ rừng có một số vụ việc chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến khó khăn trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, cũng như trong công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Còn cho đây là nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan tố tụng.

Trách nhiệm cung cấp tài liệu, hồ sơ, dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra của nhiều cơ quan, đơn vị chưa tốt dẫn đến quá trình xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kéo dài.

Trước thực trạng này, Đoàn Kiểm tra số 04 đã kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc quán triệt, nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cũng như tự kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nói riêng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra, giám sát, kiến nghị khắc phục xử lý nghiêm những hạn chế, yếu kém. Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Gia Lai tích cực, chủ động, khẩn trương đi vào hoạt động, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.

Kết luận buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm đánh giá cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung; công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực này gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của mình.

Đại tướng Tô Lâm đề nghị, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là một số nội dung trọng tâm về nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Bảo đảm nguyên tắc mọi tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm nói chung, tội phạm về tham nhũng, kinh tế nói riêng đều phải được tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ."

Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của từng cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên môn để phát hiện từ sớm, từ xa các hành vi sai phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.

Đại tướng Tô Lâm lưu ý Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tiếp tục quan tâm xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý và cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chủ động xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đầy đủ các kiến nghị đã nêu trong Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 04, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

Đối với địa bàn quan trọng như tỉnh Gia Lai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần đặc biệt quan tâm, chú trọng hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ, nông, lâm trường; các sai phạm trong quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước gây bức xúc, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời chuyển giao, xử lý nghiêm minh các cá nhân, tập thể sai phạm, đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trên địa bàn.

Theo kết quả kiểm tra, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm phổ biến, quán triệt và ban hành một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói chung, phòng, chống tội phạm, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế tiêu cực nói riêng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các hành vi, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc hoặc kéo dài trên địa bàn, tạo tiền đề, kinh nghiệm và hiệu ứng lan tỏa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tội phạm.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được quan tâm, nhất là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, qua đó đã phát hiện và chuyển ba vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định. Một số trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm đã bị xử lý kỷ luật nghiêm.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực và sai phạm kinh tế qua hoạt động thanh tra được quan tâm; qua đó đã phát hiện được 33 vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực bước đầu được chú trọng và đã khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định 23/44 vụ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện cơ bản nghiêm, đúng quy định đối với công tác này. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm cơ bản được thực hiện thường xuyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục