Ngày 18/8, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Tiến Thân, chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ, về tội "Nhận hối lộ," liên quan đến vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).
Cũng trong ngày 18/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC), Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Ngày 18/8, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đỗ Quốc Tiệp, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CDC Quảng Bình.
Đây là những minh chứng rõ ràng cho lời khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tại Phiên họp 22 (ngày 17/8) của Ban Chỉ đạo: "Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc đấu tranh chống tham nhũng."
Dòng chảy từ Phiên họp 21
Ngày 20/1/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tiến hành Phiên họp 21 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động trong năm 2021. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp cho biết trong năm 2021 với điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo mới được kiện toàn, bổ sung, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; sự quyết tâm của các thành viên; sự nỗ lực của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng, nên chương trình chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tốt.
Ban Chỉ đạo đã lãnh đạo đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; gắn việc phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự.
[Tổng Bí thư: Xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực]
Trong năm 2021, những cán bộ, đảng viên sai phạm đã bị xử lý kỷ luật nghiêm minh. Cụ thể, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên về tội tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 trường hợp so với năm 2020).
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).
Hơn 81.000 tỷ đồng và 811ha đất đã được kiến nghị thu hồi; 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân bị kiến nghị xử lý hành chính; việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư, đấu thầu thuốc chữa bệnh được thanh tra theo diện rộng…
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (tăng hơn 3 lần so với năm 2020) đã được chuyển tới cơ quan điều tra để xem xét, xử lý.
Trên cả nước đã có 390 vụ án với 1.011 bị can bị khởi tố, điều tra về các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ. Cơ quan chức năng khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; một số vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, lợi dụng phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi; các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang...
Năm 2021 có 10 vụ án trọng điểm được xét xử kịp thời theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Trước tiên là Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tiếp đến là vụ án "Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; Vụ án "Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ...
Các cơ quan chức năng trong công an, quân đội đã chủ động phát hiện, xử lý kỷ luật 98 cán bộ, chiến sỹ; các cơ quan: Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm toán đã xử lý kỷ luật 50 cán bộ, công chức có sai phạm, tiêu cực; Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, điều tra 26 vụ án với 32 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Đến Phiên họp 22
Ngày 17/8/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức Phiên họp 22 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm.
Tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh từ sau Phiên họp 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vừa tập trung cho các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa-xã hội, vừa chú trọng chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Một trong những kết quả nổi bật của Ban Chỉ đạo trong nửa đầu năm 2022 là đã tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị tổ chức rất thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh; đã có sự gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.
Trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 trường hợp so với cùng kỳ năm trước); Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).
Ngành thanh tra, kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nổi cộm, dư luận bức xúc; đã kiến nghị xử lý, thu hồi 15.418 tỷ đồng và 134 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân (tăng 831 tập thể và 603 cá nhân so với cùng kỳ năm trước).
Từ sau Phiên họp 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố mới 297 vụ án với 682 bị can về các tội tham nhũng (tăng 153 vụ, 298 bị can so với cùng kỳ năm trước). Riêng trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã có 8 vụ án với 29 bị can bị khởi tố mới, 40 bị can trong 12 vụ án bị khởi tố thêm; 10 vụ án với 134 bị can được kết thúc điều tra...
Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 9.027 tỷ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).
Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án trọng điểm, trong số này có Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương, tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế); Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương…
Phiên họp 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đề ra nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2022, các cơ quan chức năng phải kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 25 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Những thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ trước đến nay, đặc biệt là từ Phiên họp 21 đến Phiên họp 22 của Ban Chỉ đạo, là sự hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống cái xấu, cái ác vì cái thiện, cái đẹp trong xã hội ta phải "không ngừng," "không nghỉ," không vì chống dịch mà "chùng xuống, không xử lý."
Tổng Bí thư nhận định thời gian vừa qua chúng ta đã tập trung không ít công sức cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày càng kiên trì, bài bản, có kinh nghiệm, hiệu quả cao hơn, theo đúng phương châm là phải làm kiên quyết nhưng rất nhân văn, nhân ái, mở đường để tiến, không vùi dập ai và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao, không chia rẽ, hiểu lầm lẫn nhau.
Một số ý kiến xuyên tạc rằng, đây là "chuyện đánh đấm nội bộ" đã bị bác bỏ hoàn toàn, bởi vì vừa qua chúng ta "đánh đâu trúng đấy, xử anh nào cũng tâm phục khẩu phục."
Sự phối hợp giữa các cơ quan bài bản, nhịp nhàng, giúp cho việc khởi tố thêm nhiều vụ án. Điều này củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cũng chính là động lực thúc đẩy xã hội tiến lên, nội bộ ngày càng đoàn kết hơn.
Việc khởi tố, xử lý nhiều vụ việc trong thời gian qua không hề làm giảm ý chí hay cản trở sự nghiệp xây dựng đất nước, ngược lại chính là để thúc giục làm tốt hơn, củng cố thêm niềm tin và thúc đẩy sự tiến lên. Chúng ta làm rất đàng hoàng, minh bạch, qua các quy trình chặt chẽ, đúng luật pháp, đúng kỷ luật của Đảng./.