Công bố phát hiện khảo cổ mới về nguồn gốc cụ tổ của loài người

Các nhà khoa học đã công bố công trình nghiên cứu mới cho thấy người vượn "Chân nhỏ" có niên đại 3,67 triệu năm, già hơn cả Lucy vốn được coi là cụ tổ của loài người.
Ảnh minh họa. (Nguồn: lightmediation.net)

Ngày 2/4, tại Đại học Witwatersrand ở thành phố Johannesburg, các nhà nghiên cứu Nam Phi, Mỹ, Canada và Pháp đã công bố công trình nghiên cứu mới cho thấy người vượn Chân nhỏ có niên đại 3,67 triệu năm, già hơn cả Lucy vốn được coi là cụ tổ của loài người.

Được phát hiện vào những năm 1994-1998 trong hệ thống hang động Sterkfontein, khu vực được coi là "Cái nôi của nhân loại," người vượn Chân nhỏ (Little Foot) thoạt đầu được cho là đã từng sinh sống cách đây khoảng bốn triệu năm.

Tuy nhiên, dựa trên các loại khoáng chất được tìm thấy trong các hang động đó, các nhà khoa học sau đó đã ước tính tuổi của người vượn này là gần 2,2 triệu năm.

Kết quả này đã gây ra tranh luận trong nhiều năm tiếp theo.

Mới đây, nhóm nghiên cứu quốc tế nói trên đã chuyển sang sử dụng một phương pháp khác để đo mức độ nhôm và beryllium trong lớp đá bao quanh hóa thạch.

Họ đi đến kết luận rằng tuổi của người Chân nhỏ là 3,67 triệu năm, già hơn khoảng nửa triệu năm so với Lucy, một nữ vượn nhân được phát hiện tại Ethiopia vào năm 1974 và cho đến gần đây vẫn được coi là cụ tổ của loài người.

Các nhà khảo cổ học quốc tế nhận định nếu phép đo này là chính xác thì có thể đã có nhiều loài khác nhau thuộc chủng Australopithecus (người vượn) từng sinh sống trên một phạm vi rộng lớn hơn ở châu Phi.

Kể từ năm 1936, các hang động Sterkfontein, thuộc tỉnh Gauteng của Nam Phi đã trở nên nổi tiếng thế giới nhờ những phát hiện quan trọng về khảo cổ học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục