Tiếp nối thành công của "Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019," từ năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì biên soạn và công bố "Sách Trắng hợp tác xã Việt Nam" thường niên.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - đơn vị được giao chủ trì xây dựng Sách Trắng, cho biết hiện có ba nguồn thông tin để biên soạn Sách Trắng, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Dự kiến, "Sách Trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020" sẽ được công bố vào tháng 4/2020.
Việc ban hành "Sách Trắng hợp tác xã Việt Nam" nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu, sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương.
Nội dung dự kiến của "Sách Trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020" gồm: những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018 như bối cảnh phát triển hợp tác xã năm 2018; tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã; bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 cả nước; bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 các địa phương.
Hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng nhất của kinh tế tập thể, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước xác định tại các Nghị quyết Đại hội Đảng (từ Đại hội lần thứ IV): "Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân," "Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt."
[Khu vực kinh tế hợp tác tạo ra 2,5 triệu việc làm cho xã hội]
Phát triển kinh tế tập thể nói chung và phát triển hợp tác xã nói riêng đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách, Nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống như Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; các Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã và đang từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết do đây là năm đầu tiên biên soạn và công bố Sách Trắng hợp tác xã Việt Nam, trong có nhiều nguồn thông tin, số liệu còn chênh lệch, do vậy, Tổng cục Thống kê dự kiến sử dụng các biểu số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm: số hợp tác xã đang hoạt động; số hợp tác xã thành lập mới; số thành viên hợp tác xã.
Chỉ tiêu số hợp tác xã trong tất cả các biểu cũng như các chỉ tiêu liên quan quy định là tổng hợp từ hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh.
"Sách Trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020" dự kiến có hơn 20 biểu số liệu về hợp tác xã phân theo quy mô lao động, ngành kinh tế và số liệu hợp tác xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó có số hợp tác xã đang hoạt động đến thời điểm ngày 31/12 theo địa phương; số hợp tác xã đang hoạt động, có kết quả sản xuất kinh doanh đến thời điểm ngày 31/12 theo quy mô lao động, theo ngành kinh tế; số hợp tác xã hoạt động; lao động của hợp tác xã; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã; hiệu suất sử dụng lao động trong hợp tác xã; nguồn vốn, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế của hợp tác xã; tỷ lệ hợp tác xã kinh doanh có lãi, lỗ...
Năm 2021, Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức Tổng điều tra kinh tế, phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, thống nhất số lượng hợp tác xã và các khái niệm, nội hàm, hệ thống chỉ tiêu cần thu thập, tổng hợp và biên soạn Sách Trắng hợp tác xã thường niên, đảm bảo tính thống nhất giữa các bộ, ngành.
Kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần chuyển dịch lao động, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là trên địa bàn nông thôn.
Bên cạnh đó, kinh tế tập thể, hợp tác xã còn là tổ chức phát huy tính tự chủ của người dân, tạo điều kiện để người dân được hưởng thành quả từ sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước một cách công bằng, bình đẳng./.