Công dân EU tại Anh đối mặt với luật trục xuất khắt khe hơn sau Brexit

Chính phủ Anh cảnh báo các công dân EU sinh sống tại Xứ sở sương mù sẽ phải đối mặt với luật trục xuất khắt khe hơn nếu họ vi phạm pháp luật tại nước Anh sau Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại một hội nghị ở London ngày 6/11. (Nguồn; AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh ngày 7/11 cảnh báo các công dân Liên minh châu Âu (EU) sinh sống tại Xứ sở sương mù sẽ phải đối mặt với luật trục xuất khắt khe hơn nếu họ vi phạm pháp luật tại nước Anh sau Brexit.

Các quy định mới được áp dụng sau khi nước Anh hoàn tất việc rời khỏi châu Âu sẽ đồng nghĩa với việc những công dân EU bị kết án trên 1 năm tù sẽ đối mặt với việc bị trục xuất.

Thông tin có trong một văn bản kỹ thuật này của Chính phủ Anh được công bố trước thềm vòng đàm phán mới tại Brussels (Bỉ) về Brexit, bất chấp sự phản đối của các nhà đàm phán châu Âu đòi hỏi 3,2 triệu công dân EU tại Anh sau Brexit vẫn phải được giữ nguyên các quyền hiện tại.

Theo quy định hiện nay của EU, những công dân của khối được áp dụng luật trục xuất với nhiều ưu tiên hơn các công dân mang quốc tịch khác, và nước Anh chỉ có thể trục xuất được công dân EU nếu chứng minh được họ là những tội phạm có khả năng “đe dọa nghiêm trọng đến những lợi ích căn bản của xã hội.”

[Người dân Anh bày tỏ bi quan về triển vọng đàm phán Brexit]

Tài liệu kỹ thuật dài 5 trang của Bộ Nội vụ Anh khẳng định quy định cứng rắn sắp được áp dụng thể hiện quyết tâm không để 3,2 triệu công dân EU được cấp quy chế định cư lâu dài tại Anh sau Brexit trở thành một nhóm “công dân đặc quyền” với nhiều ưu đãi hơn cả các công dân Anh và các nhóm người nước ngoài khác.

Mặt khác, tài liệu này cũng khẳng định Anh sẽ không gây khó khăn và trở ngại gì cho các công dân EU trong việc thực hiện quy định về đăng ký sau Brexit.

Bộ Nội vụ Anh cho phép các công dân EU có thời hạn 2 năm để hoàn thành một mẫu khai đăng ký dài đến 85 trang.

Các công dân EU sẽ không cần phải chứng minh có bảo hiểm y tế, chỉ cần cung cấp ảnh hộ chiếu  - thay vì cung cấp dấu vân tay - và có quyền khiếu kiện trong trường hợp hồ sơ đăng ký định cư lâu dài của họ bị Bộ Nội vụ Anh từ chối. Chi phí đăng ký cũng chỉ tương đương với số tiền một người dân Anh bỏ ra để làm hộ chiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục