Cộng đồng ASEAN - Bước ngoặt trong lịch sử phát triển khu vực

Dù còn những hạn chế, Cộng đồng ASEAN được hình thành vào 2015 sẽ đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình phát triển toàn diện của ASEAN.

47 năm trước, tại Bangkok (Thái Lan), ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức ra đời, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra một giai đoạn hợp tác mới của các nước Đông Nam Á và là tiền đề quan trọng cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Nhân dịp này, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Vũ Đăng Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta (Indonesia).

- Đại sứ có thể cho biết tình hình xây dựng Cộng đồng ASEAN cho đến nay cũng như triển vọng việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và xa hơn?

Đại sứ Vũ Đăng Dũng: Năm nay ASEAN kỷ niệm lần thứ 47 ngày thành lập Hiệp hội trong giai đoạn nước rút về đích hình thành Cộng đồng vào thời điểm 31/12/2015.

Sau chặng đường gần 5 năm triển khai các chương trình, kế hoạch trong Lộ trình xây dựng ba trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội (2009-2015), có thể nói ASEAN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tính đến nay, hơn 80% các biện pháp đề ra đã hoàn tất. Các nỗ lực đẩy mạnh kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển đang có nhiều tiến triển tích cực.

Những thành quả hợp tác này đã và đang tác động sâu rộng tới mọi mặt, đặt nền móng về một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ các trách nhiệm xã hội để hướng tới việc chính thức công bố ra đời vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các mục tiêu còn lại trong xây dựng Cộng đồng là những thách thức, khó khăn không nhỏ. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần chuẩn bị cho tương lai phát triển giai đoạn sau 2015, nhất là việc xây dựng tầm nhìn, mục tiêu và kế hoạch tiếp theo.

Dù còn những hạn chế, Cộng đồng ASEAN được hình thành vào 2015 sẽ đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình phát triển toàn diện của ASEAN.

ASEAN sẽ trở thành thực thể chính trị-kinh tế ngày càng quan trọng, là hạt nhân và động lực cho các tiến trình hợp tác và liên kết ở khu vực Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương, là đối tác không thể thiếu của nhiều nước và trung tâm lớn trên thế giới.

- Trong giai đoạn hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hiện nay, Việt Nam đã tham gia, đóng góp ra sao và đứng trước những cơ hội, thách thức như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Vũ Đăng Dũng: 19 năm qua, kể từ khi chính thức trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã và đang từng bước hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các cơ chế hợp tác của ASEAN và có nhiều đóng góp thúc đẩy sự phát triển chung của Hiệp hội.

Việt Nam luôn chủ động đóng vai trò trong định hướng, hình thành các văn kiện và chiến lược phát triển quan trọng, được các nước thành viên và các đối tác coi trọng, đánh giá cao.

Việc tham gia đóng góp vào hình thành Cộng đồng ASEAN là lợi ích thiết thực Việt Nam nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi cho đất nước phát triển. Đây cũng là một hướng quan trọng để triển khai đường lối hội nhập quốc tế toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết 22-NQ22 của Bộ Chính trị về Hội nhập Quốc tế.

Do còn có khoảng cách phát triển khá lớn so với trình độ các nước trong khu vực, Việt Nam cần nhạy bén bắt nhịp với tình hình, đổi mới mạnh mẽ các mặt từ quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hài hòa các chính sách, hệ thống luật lệ dần theo các chuẩn mực chung của khu vực, đồng thời nâng cao nhận thức toàn dân cũng như tất cả các cấp, ngành, địa phương về lợi ích của tham gia và đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thống nhất hành động hội nhập khu vực với tinh thần nâng cao chất lượng tham gia, không chỉ đáp ứng, tuân thủ các cam kết mà còn chủ động đóng góp, tạo dựng khuôn khổ hợp tác, chuẩn mực ứng xử chung trong những lĩnh vực phù hợp với lợi thế và khả năng của ta.

- Xin Đại sứ cho biết vai trò của Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR) cũng như hoạt động đóng góp của Phái đoàn ta trong giai đoạn thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hiện nay?

Đại sứ Vũ Đăng Dũng: Ủy ban các Đại diện Thường trực của ASEAN (CPR) có chức năng làm đầu mối, điều phối chung triển khai hợp tác của các trụ cột Cộng đồng.

Trong giai đoạn nước rút hiện nay, CPR càng có vai trò quan trọng hơn theo dõi, phối hợp và thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác đã đề ra nhằm hỗ trợ hoạt động của các Hội đồng Cộng đồng, các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng chuyên ngành, quan hệ hợp tác với các nước Đối thoại và đối tác bên ngoài, phối hợp với Ban Thư ký quốc gia và Ban Thư ký ASEAN phục vụ các hoạt động hợp tác trong ASEAN.

Chỉ một năm sau khi thành lập, Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch CPR 2010, chủ trì tổ chức các hoạt động của CPR, thúc đẩy và tham gia xây dựng nhiều văn kiện, tài liệu quan trọng liên quan đến triển khai Hiến chương, các Lộ trình xây dựng Cộng đồng, mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN, cải tiến và nâng cao hiệu quả bộ máy ASEAN, hoạt động của Ban Thư ký ASEAN.

Trong thời gian tới, Phái đoàn ta tiếp tục tích cực đóng góp vào việc triển khai các nhiệm vụ, ưu tiên của ta thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015 và giai đoạn phát triển tiếp theo; phát huy vai trò cơ chế thường trực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước nhằm thúc đẩy hợp tác ở những lĩnh vực ta có lợi ích cũng như làm tốt công tác thông tin, dự báo tình hình và kiến nghị chính sách của ta với ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục