Sau khi xảy ra vụ đánh bom xe tại khu ngoại giao đoàn và cơ quan chính phủ ở thủ đô Kabul của Afghanistan làm ít nhất 80 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương vào sáng 31/5, chính phủ nhiều nước đã lên án vụ đánh bom đẫm máu này.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trên trang Twitter cá nhân đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom và bày tỏ chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
Thủ tướng Modi tái khẳng định cam kết của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời tuyên bố Ấn Độ sát cánh với Afghanistan trong cuộc chiến này.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi trong một tuyên bố đã ngỏ lời chia buồn tới chính phủ và đất nước Afghanistan. Ông cho biết Iran sẽ luôn sát cánh với Afghanistan trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
[Cận cảnh hiện trường vụ đánh bom ở Kabul, 400 người thương vong]
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng đã lên án vụ đánh bom trên. Ông cho biết các nhân viên tại Đại sứ quán Đức ở thủ đô Kabul đã bị thương và một nhân viên bảo vệ người Afghanistan đã thiệt mạng trong vụ nổ bom này.
Trong một tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn có văn phòng cũng tại khu vực này, lên án vụ đánh bom là một hành động man rợ khi nhằm mục tiêu vào dân thường.
Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Hugo Llorens lên án vụ đánh bom không "thèm đếm xỉa" đến mạng sống con người, đồng thời cho rằng những kẻ đứng đằng sau vụ này xứng đáng bị "trừng trị."
Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bulgaria đều thông báo đại sứ quán của họ ở Kabul đều bị hư hại trong vụ nổ này.
Trong khi đó, nhóm phiến quân hồi giáo Taliban tại Afghanistan đã bác bỏ thực hiện vụ đánh bom đẫm máu trên. Trong một thông báo, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho rằng các tay súng của nhóm không liên quan tới vụ tấn công.
Trước đó, một vụ nổ lớn, được cho là do đánh bom xe liều chết, đã xảy ra trong khu vực Ngoại giao đoàn và cơ quan chính phủ ở Kabul vào sáng ngày 31/5. Hiện chưa rõ mục tiêu chính xác của vụ tấn công này.
Vụ đánh bom xảy ra trong bối cảnh Afghanistan chuẩn bị tổ chức hội nghị quốc tế về hòa bình, an ninh và hòa giải vào ngày 9/6 tới với sự tham dự của gần 20 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc, Saudia Arabia, Pakistan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu.
Theo kế hoạch, hợp tác chống khủng bố sẽ là một trong những vấn đề chủ chốt được thảo luận tại hội nghị lần này.
Kể từ khi các lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan vào năm 2014, bạo lực ngày căng gia tăng trong bối cảnh lực lượng an ninh quốc gia Tây Nam Á này nỗ lực chống lại làn sóng tấn công của các tay súng Taliban và các nhóm phiến quân khác./.