Cộng hòa Séc từ chối công nhận chính quyền mới của Taliban

Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Jakub Kulhanek tuyên bố Séc không công nhận Taliban "trong mọi trường hợp," nhưng việc duy trì một số kênh liên lạc với lực lượng này là cần thiết.
Cộng hòa Séc từ chối công nhận chính quyền mới của Taliban ảnh 1Người Afghanistan đợi để vào Pakisstan tại cửa khẩu biên giới Chaman giữa Afghanistan và Pakistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 12/9, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Jakub Kulhanek tuyên bố nước này sẽ không công nhận Taliban, nhưng sẽ phải duy trì liên lạc với lực lượng này.

Phát biểu với phóng viên trước khi tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, Ngoại trưởng Kulhanek nêu rõ nước này phải chấp nhận sự thật là Taliban nắm quyền lãnh đạo tại Afghanistan.

Tuy nhiên, Séc không công nhận Taliban "trong mọi trường hợp," nhưng việc duy trì một số kênh liên lạc với lực lượng này là cần thiết.

[Ngoại trưởng Qatar tới Kabul gặp thủ tướng được Taliban chỉ định]

Ngoài ra, Ngoại trưởng Kulhanek nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Liên minh châu Âu (EU) có cách tiếp cận chung đối với Taliban. Ông cũng khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề di cư tại khu vực vì chúng tôi không muốn người di cư bất hợp pháp từ Afghanistan tới châu Âu."

Hy Lạp có kế hoạch cứng rắn đối với người di cư Afghanistan

Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố nước này sẽ tìm cách ngăn chặn nguy cơ xảy ra một làn sóng người Afghanistan di cư chạy trốn khỏi chế độ Taliban, đồng thời Hy Lạp cần thêm sự trợ giúp của EU trong các vấn đề này.

Việc Taliban nắm quyền tại Afghanistan đã làm dấy lên lo ngại về một kịch bản tương tự năm 2015 khi gần 1 triệu người Syria, Iraq và Afghanistan chạy trốn sang châu Âu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để vào Hy Lạp. Kể từ đó, EU đã tranh cãi về các quy tắc và vẫn chưa nhất trí một thỏa thuận di cư mới.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Mitsotakis nêu rõ: "Tôi sẽ nhắc lại điều này: Chúng tôi không thể để các nước châu Âu nghĩ rằng Hy Lạp nên một mình giải quyết vấn đề này và họ hoàn toàn không liên quan vì họ có thể thắt chặt hoặc đóng kín biên giới."

Nhà lãnh đạo này khẳng định Hy Lạp không muốn trở thành "cửa ngõ" của châu Âu một lần nữa.

Với lập trường cứng rắn về người di cư, Hy Lạp đã tiến hành rào lại các trại dành cho người di cư và hoàn tất hàng rào dài 40km tại vùng Evros trên tuyến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng khởi động đấu thầu nhằm xây dựng các cơ sở tập trung trên các đảo gần Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên những chỉ trích từ các nhóm nhân quyền.

Các phi công Afghanistan rời Uzbekistan tới UAE

Trong khi đó, các phi công người Afghanistan được Mỹ huấn luyện và những người từng làm cho lực lượng Mỹ đã chạy sang Uzbekistan và bị giữ trong một trại tập trung ở nước này trong một tháng qua đã bắt đầu rời khỏi quốc gia Trung Á này.

Theo một nguồn tin ngày 12/9, những người này đã rời Uzbekistan theo một thỏa thuận của Mỹ, được đưa ra bất chấp sức ép của Taliban yêu cầu các phi công và máy bay trở lại Afghanistan.

Nguồn tin cho biết nhóm phi công và nhân viên Afghanistan sẽ tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ và Uzbekistan chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.

Trước đó, hãng tin Reuters của Anh đã tiết lộ tình trạng căng thẳng tại trại tập trung Uzbekistan, nơi những phi công Afghanistan lo sợ bị đưa về nước và đối mặt với nguy hiểm. Taliban đã tuyên bố rằng lực lượng này sẽ không thực hiện các vụ giết người trả đũa sau khi giành quyền kiểm soát đất nước vào tháng 8.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ hướng giải quyết 46 máy bay, gồm cả máy bay tấn công A-29 và trực thăng chiến đấu UH-60 Black Hawk, mà các phi công Afghanistan sử dụng để bay sang nước này./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.