Theo trang mạng thehill.com, các công nghệ số đã ảnh hưởng tới bối cảnh địa chính trị từ khi Internet phát triển xuyên biên giới và các doanh nghiệp máy tính tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu từ những năm 1990.
Tuy nhiên, những tranh cãi gần đây về công ty viễn thông ZTE , văn phòng của tờ Wall Street Journal tại Hong Kong bị theo dõi hay vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei càng phản ánh rõ nét vai trò ngày càng trung tâm của trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, các chất bán dẫn tân tiến và những ứng dụng số mang tính “đột phá về công nghệ” trong ngoại giao và quan hệ quốc tế.
Nhiều xung đột bắt nguồn từ mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nga trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, ảnh hưởng không thể phủ nhận của công nghệ tân tiến trong các vấn đề toàn cầu ngày nay khiến cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường có nhiều điểm khác biệt hơn so với trước.
Đơn cử là trường hợp liên quan tới Mạnh Vãn Châu cùng quá trình mở rộng trên quy mô quốc tế của tập đoàn viễn thông công nghệ Huawei trong lĩnh vực mạng lưới thông tin liên lạc tương lai. Đó là những hệ thống tân tiến có thể giúp Bắc Kinh có được khả năng giám sát và tình báo vượt trội.
Trung Quốc đang mạnh mẽ vươn tầm phát triển ra ngoài biên giới của mình, với trí tuệ nhân tạo và sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được xem như những động lực chính cho mặt trận phát triển tiếp theo.
Với BRI, Chủ tịch Tập Cận Bình đã “mở” cánh cửa tiếp cận các thị trường mới tại hơn 65 quốc gia cho các doanh nghiệp Trung Quốc, các thị trường chiếm tới một nửa GDP toàn cầu.
Quá trình bành trướng này tất nhiên không nằm ngoài sự chú ý của giới chính trị và công nghệ Mỹ, song lại là yếu tố khiến giới học giả có hai luồng quan điểm trái chiều.
Những ý kiến tại Washington cho rằng việc hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như học thuật, nghiên cứu khoa học hay trong các hợp đồng thầu khoán là sự “ngây thơ” cực kỳ nguy hiểm trước những ý đồ của Bắc Kinh.
Họ cho rằng Nga, đối thủ trong Chiến tranh Lạnh của Mỹ, với những chiến dịch can thiệp bầu cử và tung tin giả trên mạng xã hội, là một bằng chứng cụ thể.Những quan điểm ở Bờ Đông xem BRI là tham vọng thâu tóm quyền lực, một phần trong nỗ lực nổi lên của Trung Quốc với tư cách một siêu cường thế giới với quyết tâm thách thức trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Nhiều người gọi đây là “Chiến tranh Lạnh 2.0.”
Trái lại, ở Bờ Tây người ta lại có cái nhìn ôn hòa hơn và cho rằng BRI đơn giản là cơ hội giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có cơ hội tiếp cận với các thị trường mới và đưa các quốc gia xích lại gần nhau hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Những quan điểm này, xét một cách thuần túy nhất, đều bỏ sót một vài yếu tố chính trị và công nghệ quan trọng, những gì có thể thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh chung.
Lấy trí tuệ nhân tạo làm ví dụ. Dù các chính trị gia cũng như các doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc đang tích cực cạnh tranh mở rộng ảnh hưởng và thị phần trên toàn thế giới, thực chất đây không phải là một cuộc chạy đua như người ta vẫn nói.
Trong quá trình theo đuổi các mục tiêu khoa học, kinh doanh và công nghệ, cạnh tranh vốn không đơn giản là chỉ đem đến kết quả thắng-thua.
[Công nghệ - mặt trận mới trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc]
Trên thế giới tồn tại nhiều mô hình thành công khác nhau được cả các nước lớn và nhỏ áp dụng, trong đó họ cùng xây dựng một thị trường đa dạng với các sản phẩm và ý tưởng sáng tạo. Những mô hình này thường mâu thuẫn với cách tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc.
Những chiến lược đa dạng này cho thấy trật tự thế giới đang nổi không phải là đơn cực, và thay vào đó là một trật tự đa cực với sự biến động không ngừng của các cách tân trong lĩnh vực công nghệ, nền tảng của chính trật tự này.
Trước thực tế ấy, các quốc gia sẽ ngày càng chú trọng tới các cuộc đàm phán quy mô toàn cầu về việc phát triển các công nghệ đột phá cũng như các ý tưởng.
Xu hướng này sẽ mạnh mẽ và đa dạng hơn nhiều những gì từng diễn ra trong Chiến tranh Lạnh, với sự hình thành những liên minh chính trị và kinh tế khác biệt, cùng những cải cách không ngừng để phù hợp với đà phát triển về công nghệ.
Người ta cần xác định một mô hình mới cho nước Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, một mô hình có thể thiết kế và điều chỉnh những liên minh then chốt một cách linh hoạt.
Mỹ vừa cần duy trì quan hệ, vừa cần đề phòng với Trung Quốc, nhất là tại các viện nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo cũng như các công nghệ tân tiến khác trên toàn thế giới. Mỹ cần đào tạo một thế hệ các nhà ngoại giao có thể bảo đảm “công nghệ đột phá,” bảo vệ các dự án trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc an toàn chung.
Mỹ cũng cần phải nâng cấp các thể chế đa phương để giám sát và kiểm soát các hoạt động phát triển công nghệ của Trung Quốc, ngăn Trung Quốc thiết lập cho riêng mình một cơ chế toàn cầu có thể cạnh tranh với phương Tây, điều họ đã làm được với Ngân hàng Phát triển Cơ sở Hạ tầng châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh.
Để đạt được các bước đi quan trọng này, Mỹ cần một chiến lược tổng thể mới, bao gồm toàn diện các lĩnh vực từ khoa học, thương mại cho tới các khía cạnh an ninh. Mỹ cần liên tục điều chỉnh và cân bằng các quan điểm thận trọng của Bờ Đông với lập trường cạnh tranh của Bờ Tây.
Thực tế, các quốc gia biết khéo léo thúc đẩy mô hình “hợp tác nhanh nhưng thận trọng” chắc chắn sẽ vượt trội hơn tất cả và trở thành siêu cường thực sự của thế kỷ 21./.