Hội thảo “Công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới” do Ban Nội chính Trung ương và Hội đồng Khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương tổ chức diễn ra tại Hà Nội sáng 3/10.
Tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết Ban Nội chính Trung ương được Hội đồng Khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương giao nghiên cứu đề tài khoa học trọng điểm “Công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới - Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp.”
Đề tài nghiên cứu nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện công tác tham mưu, chiến lược của các ban, cơ quan Đảng Trung ương về lĩnh vực này, đồng thời góp phần tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua và chuẩn bị cho việc soạn thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Hội thảo nhằm làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác này.
[Phòng, chống tham nhũng và lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật]
Qua đó, chắt lọc các nội dung tham luận, ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, của các cơ quan, cán bộ làm công tác thực tiễn ở Trung ương và địa phương phục vụ xây dựng hoàn thiện đề tài - ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học của các cơ quan, cán bộ làm công tác thực tiễn ở Trung ương và địa phương đã có những ý kiến, tham luận tập trung vào sự phát triển nhận thức, lý luận của Đảng ta về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp qua 40 năm đổi mới; nhất là quan niệm về nội dung, phạm vi, phương thức và tiêu chí đánh giá chất lượng công tác tham mưu.
Đồng thời, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này qua 40 năm đổi mới nhìn từ thực tiễn công tác ở cả Trung ương và địa phương.
Hội thảo cũng tập trung vào những vấn đề đặt ra cần giải quyết và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, kiến nghị, đề xuất cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực quan trọng này trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông cho rằng qua hơn 57 năm thành lập và phát triển, đặc biệt sau hơn 10 năm tái lập của Ban Nội chính Trung ương, công tác tham mưu chiến lược phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên phục vụ sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực nội chính đã phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
40 năm qua, nền nội chính Việt Nam đã có nhiều cải cách, điển hình là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp mở ra một không gian mới, điều kiện mới xây dựng nền tư pháp cách mạng, hiệu quả, vì công lý. Nghị quyết đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng trong công tác tham mưu.
Từ Nghị quyết là hàng loạt các cải cách lớn, nhất là tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn, mạnh mẽ, quyết liệt về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng hình thành phương châm “bốn không”: “không thể,” “không dám,” “không muốn,” “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Để công tác tham mưu hiệu quả và sâu sắc hơn, ông Lê Minh Thông cho rằng phải nắm vững đường lối chính sách của Đảng trong công tác nội chính; nắm chắc pháp luật về công tác nội chính để thấy được những khoảng trống, chồng chéo, mâu thuẫn mà pháp luật chưa giải quyết được, từ đó đề xuất những điểm mới.
Thực tế, nhiều vi phạm của cán bộ thời gian qua có liên quan đến kinh tế, vì thế khi tham mưu phải nắm vững kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để phát hiện kịp thời nguy cơ.
Cán bộ làm công tác tham mưu không thể "chỉ ngồi trong phòng lạnh" mà phải sâu sát thực tiễn. Công tác tham mưu cũng phải chú ý, theo kịp xu thế toàn cầu hóa, "chúng ta không thể đi một mình mà phải hội nhập, thực tế là chúng ta cũng đang hội nhập rất mạnh mẽ” - ông Lê Minh Thông lưu ý./.