Công ty Ấn Độ phát triển vắcxin ngừa Zika đầu tiên trên thế giới

Nhà sản xuất Bharat Biotech có trụ sở tại thành phố miền Nam Hyderabad thông báo đã phát triển hai loại vắcxin trong một năm qua và đã sẵn sàng thử nghiệm các vắcxin này trên động vật.
Công ty Ấn Độ phát triển vắcxin ngừa Zika đầu tiên trên thế giới ảnh 1 Phụ nữ mang thai kiểm tra sức khỏe tại Guatemala City. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Pháp AFP, ngày 3/2, một nhà sản xuất vắcxin tại Ấn Độ tuyên bố đang phát triển loại vắcxin đầu tiên trên thế giới chống virus Zika sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh do virus này đang lây lan nhanh chóng.

Nhà sản xuất Bharat Biotech có trụ sở tại thành phố miền Nam Hyderabad thông báo đã phát triển hai loại vắcxin trong một năm qua và đã sẵn sàng thử nghiệm các vắcxin này trên động vật.

Trưởng phòng tư pháp và sở hữu trí tuệ của công ty, ông Rajarshi Dasgupta nói rằng Bharat Biotech là công ty đầu tiên trên thế giới xin cấp bằng sáng chế toàn cầu cho vắcxin ngừa Zika, đồng thời cho biết thêm công ty đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế một năm trước.

Thông báo của Bharat được đưa ra một ngày sau khi công ty Pháp Sanofi Pasteur tiết lộ đã triển khai dự án nghiên cứu và phát triển vắcxin chống virus Zika.

Đến nay, Ấn Độ chưa ghi nhận ca nhiễm Zika nào, trong khi tại Thái Lan và Indonesia mỗi nước đều thông báo một trường hợp nhiễm virus Zika.

Giới chức y tế Mỹ ngày 2/2 xác nhận một bệnh nhân lây nhiễm virus Zika đầu tiên qua đường tình dục tại bang Texas của Mỹ. Hiện chưa có vắcxin nào được chứng minh có thể phòng ngừa loại virus do muỗi sinh ra này.

Virus Zika là nguyên nhân khiến não các bé sơ sinh bị teo nhỏ, do đó còn có tên gọi là virus "đầu nhỏ," loại virus này lây lan nhanh chóng tại khu vực châu Mỹ khiến WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về đại dịch do virus Zika hôm 1/2.

Dù được phát hiện ở châu Phi từ năm 1947, nhưng virus Zika được coi là tương đối lành tính cho tới khi các ca lây nhiễm virus này bùng phát dữ dội ở Mỹ Latinh từ cuối năm ngoái với các tác động nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em sơ sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục