Khi ngồi trong bất cứ văn phòng nào ở Manhattan hôm nay, bạn sẽ không thể ngừng được việc cứ chốc chốc lại liếc nhìn tivi. Vì Manhattan là một trung tâm tài chính, nên kênh truyền hình CNBC là lựa chọn dĩ nhiên.
Thường thì các chương trình trực tiếp sẽ bàn luận về vốn, các lựa chọn, hay việc ra mắt iPhone 7 sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Apple như thế nào. Vài ngày gần đây còn có các cuộc thảo luận về hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc và những tác động của nó.
Tuy nhiên, các chương trình bình luận lại không thu hút sự chú ý của tôi bằng đoạn quảng cáo của Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc (SCIO), một sản phẩm của cơ quan quảng cáo CNBC Catalyst thuộc CNBC.
Theo trang The Diplomat, không có gì bất thường với đoạn quảng cáo này ở 56 giây đầu tiên. Rồi đột ngột, tháp Taipei 101 hiện ra, và giọng thuyết minh nhắc tới cam kết của Kế hoạch 5 năm lần thứ mười ba là “duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao trung bình."
Việc đưa một địa danh của Đài Loan vào đoạn quảng cáo của Trung Quốc chỉ đơn giản là một lỗi biên tập của phía CNBC, hay đã được chính SCIO thông qua có chủ đích?
Xét đến lịch sử của văn phòng này và khán giả mục tiêu, khó mà tin được là hình ảnh của Taipei 101 không phải là một thông điệp tế nhị tới chính phủ mới của Đài Loan, nước Mỹ và cả khu vực về lập trường của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Trung Hoa với hòn đảo này.
SCIO đã thuê CNBC Catalyst làm đoạn quảng cáo G20 này như một phần trong chiến dịch quảng bá hội nghị ở Hàng Châu.
Đoạn phim có tiêu đề “G20, Trung Quốc cùng tham gia” hiện đang được phát trên các kênh quốc tế của CNBC.
Vừa quảng bá các sáng kiến của Trung Quốc như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến Một vành đai-Một con đường, đoạn video dài 1 phút 30 giây này còn kêu gọi những người ủng hộ tham gia một nền kinh tế “toàn diện, kết nối, đầy sức sống và sự sáng tạo” khi Trung Quốc là chủ nhà hội nghị G20 năm nay.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có ẩn ý gì ở đây hay không? Đây có phải chỉ là một lỗi sai từ phía CNBC Catalyst? Nếu không theo dõi hay quen thuộc với tình hình địa chính trị khu vực, sai sót này có thể tạm chấp nhận được.
Tuy nhiên, sự tham gia của SCIO lại khiến việc hình ảnh tháp Taipei 101 lọt vào đoạn video khó có thể chỉ là một nhầm lẫn.
Là một bộ phận của Hội đồng Nhà nước, có quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, SCIO giữ vai trò quảng bá các chính sách và quan điểm của Trung Quốc, cũng như quản lý các tin tức về Trung Quốc trên mạng Internet.
Từ năm 2010, SCIO đã xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền quốc tế. Báo cáo của Trung tâm Wilson xác định Đài Loan là một mục tiêu Trung Quốc hải ngoại quan trọng mà SCIO nỗ lực nhắm vào.
Hiện chưa rõ SCIO có quyền biên tập hay phê duyệt gì với sản phẩm này của CNBC Catalyst, cũng như thỏa thuận giữa hai bên.
Tuy nhiên một điều chắc chắn là, Taipei 101 đã xuất hiện trong đoạn quảng cáo mà cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc đặt hàng và trả tiền để sản xuất.
Điều này có liên quan gì đến việc Đảng Dân chủ Tiến bộ tại Đài Loan lấy lại quyền lực, và bài diễn văn nhậm chức của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn về việc giảm phụ thuộc vào đại lục hay không?
Chưa có gì chắc chắn, ngoại trừ việc theo như đoạn quảng cáo này, Taipei 101 là một phần trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của đại lục.
Justin D. Guiterman là một nhà giám đốc tư vấn tài chính cấp cao ở New York, hợp tác với Ernst & Young, LLP, đồng thời tham gia cố vấn cho Văn phòng Các dịch vụ Tài chính.
Justin cũng là một Thiếu tá Hải quân Mỹ, từng đi nghĩa vụ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan điểm thể hiện trong bài viết này không phản ánh ý kiến của Ernst & Young, LLP hay Hải quân Hoa Kỳ.