Công ty Phương Trang “kẹt” nhiều bất động sản tại Ngân hàng Đại Tín

Ngày 14/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thất thoát hơn 6.300 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) tiếp tục làm việc.
Công ty Phương Trang “kẹt” nhiều bất động sản tại Ngân hàng Đại Tín ảnh 1Quang cảnh phiên tòa ngày 10/5. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 14/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thất thoát hơn 6.300 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) tiếp tục làm việc.

Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan để làm rõ hành vi sai phạm trong việc hạch toán thu-chi khống, vi phạm luật kế toán, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín số tiền hơn 5.256 tỷ đồng.

Thu-chi khống hơn 5.256 tỷ đồng

Theo hồ sơ, từ ngày 26/5/2010 đến ngày 12/2/2012, Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang (gọi tắt là Công ty Phương Trang) cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác (gọi tắt là nhóm Phương Trang), tổng cộng 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu, với tổng số tiền trên sổ sách là 16.486 tỷ đồng.

Sau khi tất toán 36 khoản vay, tính đến ngày 15/11/2017, Công ty Phương Trang còn dư nợ 25.941 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc 9.437 tỷ đồng và dư nợ lãi 16.504 tỷ đồng. Thực tế, giải ngân trên sổ sách, Công ty Phương Trang chỉ thực nhận được 3.936 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo thu-chi khống tiền mặt, sau đó thực hiện hạch toán khống trên hệ thống SmartBank; giải ngân các khoản vay của các công ty và cá nhân thuộc Công ty Phương Trang; không chuyển tiền hoặc chuyển tiền không đủ cho nhóm Phương Trang; sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục.

Các chứng từ thu khống để tạo nguồn gồm thu tất toán khoản vay, thu lãi các khoản vay của nhóm Phú Mỹ, các khoản vay của Công ty Phương Trang mà nhóm Phú Mỹ sử dụng, nộp tiền vào tài khoản của các công ty và cá nhân thuộc nhóm Phú Mỹ; sau đó lập chứng từ chi khống tiền giải ngân các khoản vay của Công ty Phương Trang để cấn trừ.

Với phương thức này, trong thời gian từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, Hứa Thị Phấn thông qua Bùi Thị Kim Loan đã chỉ đạo lập chứng từ thu khống cho nhóm Phú Mỹ của bà Phấn 5.256 tỷ đồng rồi hạch toán trên hệ thống SmartBank.

Sau đó lợi dụng việc Công ty Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ rút tiền mặt để chi khống tiền giải ngân các khoản vay của Công ty Phương Trang (không chuyển tiền hoặc chuyển tiền không đủ cho Công ty Phương Trang), cấn trừ với các chứng từ thu khống 5.256 tỷ đồng trên, để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán.

[Ngân hàng Nhà nước từng thanh tra nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch]

Công ty Phương Trang thế chấp hàng chục bất động sản

Tại tòa, ông Phan Trung Hiếu, đại diện theo ủy quyền của Công ty Phương Trang cho biết, Công ty Phương Trang phủ nhận việc vay mượn cá nhân đối với bà Hứa Thị Phấn, chỉ thực hiện việc vay tiền với Ngân hàng Đại Tín thông qua hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang.

Công ty Phương Trang cũng phủ nhận việc ủy quyền cho lái xe và thủ quỹ của công ty là ông Trần Quốc Huy và ông Trần Đăng Quang ký thay chỗ khách hàng khi một trong hai người đến giao dịch tại ngân hàng. Việc những người này ký thay là do được nhân viên Ngân hàng Đại Tín đưa cho ký vì lý do bổ túc hồ sơ và không biết nội dung mình ký.

Theo ông Phan Trung Hiếu, Công ty Phương Trang đã thế chấp 49 bất động sản để vay tiền của Ngân hàng Đại Tín. Còn theo cáo trạng, hiện Cơ quan điều tra đã kê biên 44 bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Long An, là tài sản đảm bảo cho 47 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu của Công ty Phương Trang tại Ngân hàng Đại Tín.

Chủ tọa yêu cầu người đại diện của Công ty Phương Trang trả lời cụ thể số bất động sản và hơn 200 xe ôtô đang thế chấp tại Ngân hàng Đại Tín và tình trạng pháp lý của tất cả các tài sản này, đồng thời cho biết căn cứ xác định giá trị của những tài sản nói trên vào thời điểm hiện tại,đồng thời cần xác định yêu cầu cụ thể của Công ty Phương Trang.

Ông Phan Trung Hiếu cho biết sẽ chuẩn bị tài liệu và trả lời Hội đồng xét xử vào phiên xử sáng mai.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử thông báo, Hội đồng xét xử đã chấp thuận yêu cầu triệu tập 16 người có quyền và nghĩa vụ liên quan của luật sư bảo vệ cho bị cáo Vũ Thị Như Thảo; yêu cầu triệu tập hai người Trần Quốc Huy (lái xe) và Trần Đăng Quang (thủ quỹ) của Công ty Phương Trang.

Đồng thời, theo kế hoạch xét xử, Hội đồng xét xử yêu cầu hai bị cáo trước đó được Hội đồng xét xử chấp nhận vắng mặt tại một số phiên xử là Bùi Thị Như Loan và Ngô Kim Huệ phải có mặt tại phiên tòa ngày mai 15/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục