Các công ty viễn thông lớn của Trung quốc là Huawei và ZTE ẩn chứa một mối đe dọa an ninh với Mỹ và nên bị cấm không được thực hiện các hợp đồng làm ăn và mua bán tại Mỹ. Đây là kết luận của cuộc điều tra kéo dài do ủy ban Ủy ban Tình báo Hạ viện thực hiện. Bản dự thảo của một báo cáo lọt vào tay hãng tin AFP nói rằng 2 công ty trên "không đáng tin," vẫn chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh và có thể bị sử dụng để đe dọa an ninh Mỹ. Ủy ban mở cuộc điều tra dựa trên các lo ngại rằng Trung Quốc có thể dùng 2 công ty để tiến hành các hoạt động gián điệp kinh tế, quân sự hoặc tấn công mạng. Cả Huawei và ZTE đã bác bỏ thông tin nói họ có quan hệ với chính phủ. Các lãnh đạo cấp cao của 2 công ty đã xuất hiện trong một phiên điều trần do ủy ban trên thực hiện vào tháng trước. Họ nói rằng mình chỉ quan tâm tới việc làm ăn chứ không để ý tới các vấn đề chính trị. Huawei đã tái khẳng định quan điểm của công ty với AFP. "Tính độc lập và thẳng thắn trong tổ chức và các hoạt động kinh doanh của Huawei đã được tin tưởng và tôn trọng tại 150 thị trường" - Phó chủ tịch Huewei William Plummer tuyên bố trong một thông báo gửi qua thư điện tử - "Nói Huawei có thể gây hại đã bỏ qua các thực tế mang tính kỹ thuật và thương mại, đe dọa hoạt động kiến tạo việc làm và sự sáng tạo ở Mỹ, chẳng giúp gì trong việc bảo vệ an ninh quốc gia." ZTE chưa có phản hồi trước đề nghị bình luận. Ủy ban kể trên nói rằng cả 2 công ty đã không cung cấp các câu trả lời thích đáng cho các nghị sĩ về mối quan hệ của họ với chính phủ Mỹ. "Trung Quốc có các phương tiện, cơ hội và động cơ để sử dụng các công ty viễn thông cho mụch đích xấu" - báo cáo viết. Dựa trên cuộc điều tra, ủy ban nói rằng nhà chức trách Mỹ phải "ngăn chặn hoạt động mua một phần, mua toàn bộ hoặc hợp nhất với các doanh nghiệp khác liên quan tới Huawei và ZTE để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia." Theo báo cáo, các hệ thống của chính phủ Mỹ, đặc biệt là những đơn vị nhạy cảm, không được sử dụng trang thiết bị của Huawei hay ZTE. Thậm chí các linh kiện do những công ty này sản xuất cũng không được sử dụng. Các nhà thầu đang làm việc trong các chương trình nhạy cảm của Mỹ cũng phải đáp ứng yêu cầu này. Báo cáo cũng nói rằng các công ty Mỹ cần "cân nhắc rủi ro an ninh dài hạn khi ký hợp đồng mua thiết bị hoặc sử dụng dịch vụ của ZTE hoặc Huawei." Do việc thiếu thông tin rõ ràng về cách thức hoạt động của 2 công ty trên, báo cáo của ủy ban kết luận rằng chúng có thể được sử dụng để cấy ghép các "phần cứng hoặc phần mềm độc hại", có thể được dùng làm công cụ do thám và thu thập tin tức tiềm năng.
Công ty Huawei bị coi là đe dọa an ninh Mỹ (Nguồn: AFP) Ủy ban nói rằng họ đã nhận được các tài liệu nội bộ của Huawei cho thấy công ty đã cung cấp "dịch vụ mạng đặc biệt cho một đơn vị được cho là thuộc về lực lượng tiến hành chiến tranh mạng rất tinh nhuệ" của quân đội Trung Quốc. Báo cáo dài 59 trang còn nêu ra nhiều vấn đề tiềm năng liên quan tới 2 công ty trên, như trợ giá không công bằng, tham nhũng, hối lộ, làm ăn với Iran, quan hệ với quân đội và giới cầm quyền Trung Quốc. Chủ tịch ủy ban Mike Rogers cho chương trình "60 Minutes" của đài CBS biết hôm 7/10 rằng ông sẽ kêu gọi các công ty Mỹ đang tìm kiếm cơ hội làm ăn với Huawei tìm đối tác khác "nếu họ còn quan tâm tới bản quyền trí tuệ của mình, về tính riêng tư của người tiêu dùng và về an ninh quốc gia Mỹ." Cuộc điều tra của ủy ban được tổ chức trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới cũng đang xem xét việc 2 công ty trên có quan hệ với quân đội và chính phủ Trung Quốc hay không. Đầu năm nay, Australia đã cấm Huawei tham gia đấu hầu trên kế hoạch triển khai mạng Internet băng thông rộng trị giá 36,6 tỉ USD của nước này vì sợ bị tấn công mạng. Tại Mỹ, Huawei cũng bị buộc phải rút khỏi nhiều dự án đầu tư vì sức ép từ Washington./.