COP26 là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng

Nghị sỹ Sharma khẳng định COP26 là cơ hội tốt nhất để chúng ta xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, với không khí trong lành hơn và những việc làm thân thiện với môi trường hơn.
Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến được tổ chức tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới sẽ là "cơ hội và cũng là hy vọng cuối cùng" để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất gia tăng.

Trong bài phát biểu quan trọng được truyền thông Anh đăng tải vào ngày 14/5, nghị sỹ Anh Alok Sharma, trên cương vị Chủ tịch COP 26, đưa ra nhận định trên đồng thời bày tỏ: "Tôi có niềm tin rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phát huy hết vai trò của mình trong cơ hội cuối cùng này."

Ông Sharma khẳng định: "Hội nghị COP26 là hy vọng cuối cùng của chúng ta để duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C, một mốc mà các nhà khoa học cho rằng nếu vượt qua thì tình trạng biến đổi khí hậu sẽ không kiểm soát nổi. Đây cũng là cơ hội tốt nhất để chúng ta xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, với không khí trong lành hơn và những việc làm thân thiện với môi trường hơn."

Theo ông Sharma, COP26 sẽ là nơi để các nhà đàm phán hàng đầu thế giới về môi trường của 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia và nhiều nhà lãnh đạo thế giới thảo luận các giải pháp chống biến đổi khí hậu.

[Các nước đưa ra hàng loạt cam kết mạnh mẽ để bảo vệ hành tinh xanh]

Chính phủ Anh đang đứng trước những lời kêu gọi tổ chức sự kiện lớn này dưới hình thức trực tuyến do đại dịch COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng cho đến nay nước chủ trì này vẫn thông báo sẽ tổ chức hội nghị quan trọng này bằng hình thức trực tiếp.

Hội nghị COP26 ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 11/2020, song do đại dịch COVID-19, sự kiện này đã bị lùi lại đến tháng 11 năm nay. Hiện vẫn có một số quốc gia lo ngại sẽ không thể tham dự các cuộc đàm phán ở Glasgow do chưa thể kiểm soát được các đợt dịch bùng phát mới.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã nhất trí kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm ký kết, thế giới liên tục ghi nhận kỷ lục những năm nóng nhất, trong khi những trận bão lớn, lũ lụt và cháy rừng đang đẩy nhiều cộng đồng dân cư trên khắp hành tinh vào tình trạng khủng hoảng.

Cho đến nay, hàng trăm thành phố trên thế giới không đưa ra được những kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu bất chấp các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ lũ lụt, sóng nhiệt và ô nhiễm...

Theo dự báo của các nhà khoa học, những hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai gần có thể đẩy 400 triệu người trên thế giới đối mặt với những rủi ro khôn lường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục