Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 2/4, các trạm quan sát vũ trụ đặt ở vùng sa mạc phía Bắc Chile đã buộc phải tạm thời đóng cửa do lo ngại sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 giữa du khách quốc tế và các nhà khoa học làm việc tại các trung tâm này.
Đây là lần đầu tiên các trạm quan sát đặt ở thành phố biển La Serena và vùng sa mạc Atacama buộc phải đóng cửa kể từ khi được khai trương cách đây vài thập kỷ.
Giám đốc trạm quan sát ALMA Sean Dougherty nhấn mạnh đây là một quyết định chưa có tiền lệ song hết sức cần thiết vào thời điểm này để bảo vệ sức khỏe cho tất cả những người làm việc tại các trung tâm khoa học này.
Hiện nay chỉ còn một nhóm nhỏ các nhân viên tiếp tục làm việc tại các trạm quan sát để bảo trì những hệ thống quan trọng của kính viễn vọng và bảo đảm khi điều kiện cho phép thì khôi phục hoạt động.
Ông Dougherty thừa nhận việc đóng cửa các trạm quan sát cũng đồng nghĩa với việc một số chương trình nghiên cứu quan trọng sẽ bị chậm trễ do các nhà khoa học quốc tế phải sử dụng các tài liệu thu thập thông qua kính viễn vọng.
Với lợi thế về địa lý và khí hậu, Chile hy vọng trong thập kỷ này sẽ qui tụ được khoảng 70% các hoạt động nghiên cứu vũ trụ trên thế giới./.
WB cho các một số nước Mỹ Latinh vay 245 triệu USD để đối phó với COVID-19
Ngày 2/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua một khoan vay tín dụng trí giá 245 triệu USD cho một số nước Mỹ Latinh để giúp các quốc gia này mua trang thiết bị y tế đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.
Thông báo của WB cho biết các nước Ecuador, Bolivia và Paraguay sẽ nhận được 20 triệu USD mỗi nước, Argentina sẽ nhận được 35 triệu USD và Cộng hòa Dominicana được hưởng một gói 150 triệu USD.
[Dịch COVID-19: Số ca mắc bệnh trên toàn cầu vượt mốc 1 triệu người]
Số tiền trên sẽ được đầu tư mua trang thiết bị y tế cần thiết để chữa trị các bệnh nhận mắc COVID-19, cũng như mở rộng thêm các khoa hồi sức tích cực và khu vực cách ly.
Ngoài ra, khoản tín dụng trên cũng được dùng để tài trợ cho các chương trình truyền thông quốc gia trong việc quảng bá các thông điệp phòng chống COVID-19 trong ngắn và trung hạn, đồng thời hỗ trợ cải tạo các phòng thí nghiệm tại một số nước để phục vụ cho việc phát hiện sớm, xác định và xử lý các trường hợp nhiễm bệnh.
Bộ trưởng Y tế Argentina Ginés González García cho biết với khoản tín dụng của WB, nước này sẽ tăng cường chất lượng phản ứng của hệ thống y tế, hỗ trợ các địa phương để giúp người dân Argentina được điều trị một cách công bằng nhất
Dịch COVID-19 “tấn công” các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Canada
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa ngày 2/4 dẫn tin tờ Globe and Mail cho biết, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lây lan tới ít nhất 600 viện dưỡng lão trên toàn Canada, gây áp lực lớn đối với các nhân viên chăm sóc y tế đang ở tuyến đầu của đại dịch.
Tình trạng này cũng khiến nhiều gia đình lo lắng khi không thể đến thăm người thân đang sống trong các viện dưỡng lão.
Hiện có ít nhất 75 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 là cư dân của các cơ sở dưỡng lão ở Canada. Pinecrest Nursing Home ở bang Ontario là một trong những "ổ dịch" với 14 người cao tuổi tử vong.
Thủ hiến bang Quebec, François Legault đã cảnh báo người dân không đến các viện dưỡng lão vì “đây là vấn đề giữa sống và chết.”
Chính quyền Quebec cho biết 519 trong tổng số 2.200 cơ sở dưỡng lão tại tỉnh bang này đều có ít nhất 1 ca mắc COVID-19.
Bộ trưởng Y tế bang Ontario, Christine Elliott, cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng trên, đồng thời nhấn mạnh, bang này - trong trường hợp cần thiết - có thể chuyển người cao tuổi đến các khách sạn để cách ly với những ca nhiễm ở viện dưỡng lão.
Cũng theo Globe and Mail, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Canada đã lên tới hơn 11.100 người (tăng gấp đôi trong 6 ngày qua), với 130 trường hợp tử vong.
Thêm một thông tin gây quan ngại đó là số lượng các chuyến bay vào Canada mang theo người nhiễm SARS-CoV-2 không ngừng tăng, trong đó có 2 chuyến bay đưa người Canada ở nước ngoài hồi hương.
Theo thống kê, trong thời gian từ ngày 13-27/3, 158 chuyến bay quốc tế vào Canada đều có ít nhất một ca nhiễm SARS-CoV-2. Bộ Các vấn đề toàn cầu cho biết khoảng 10.000 người đã trở về Canada trong 2 tuần qua./.