Ngày 28/12, Cơ quan thống kê của Liên bang Nga - Rosstat, cho biết hơn 186.000 người tại nước này đã tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, số liệu lớn hớn nhiều so với thông báo trước đó cùng ngày.
Theo Rosstat, số ca tử vong do tất cả các nguyên nhân được ghi nhận từ tháng 1-11/2020 đã tăng 229.700 ca so với năm trước, trong đó 81% số ca tử vong trong thời kỳ này có thể quy cho COVID-19. Điều này có nghĩa là khoảng 186.000 người Nga đã tử vong do SARS-CoV-2.
Trước đó, sáng 28/12, Liên bang Nga thông báo đã ghi nhận thêm 27.787 người mắc COVID-19 tại 84 chủ thể liên bang, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 3.078.035 người.
Cũng theo thông báo này, 24 giờ qua tại Nga có 487 trường hợp tử vong, nâng tổng số người tử vong tính đến 28/12 lên 55.265 người, đồng thời có thêm 20.480 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện lên 2.471.309 người.
Cũng trong ngày 28/12, Trung tâm đối phó với đại dịch COVID-19 của Nga cho biết nước này đã kéo dài lệnh ngừng hoạt động vận tải hàng không với Vương quốc Anh cho đến hết ngày 12/1.
Thông báo viết: "Trung tâm đã quyết định kéo dài thời hạn tạm ngừng hoạt động hàng không với Vương quốc Anh. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, các hạn chế được gia hạn đến 23 giờ 59 đêm 12/1/2021."
Nga đã đình chỉ hoạt động hàng không với Anh trong một tuần, từ ngày 22/12, do phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh ở nước này.
Nam Phi tái phong tỏa toàn quốc
Nhà chức trách Nam Phi vừa tuyên bố tái áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ 3 trên quy mô toàn quốc bắt đầu từ 0 giờ ngày 29/12 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại quốc gia hiện chiếm hơn 1/3 tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Phi này.
Trong thông điệp quốc gia được truyền hình trực tiếp tối 28/11, một ngày sau khi Nam Phi ghi nhận số người mắc COVID-19 vượt quá 1 triệu ca, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết quyết định đầy khó khăn trên được ban hành sau khi nội các nước này thực hiện tham vấn với Ủy ban phòng chống COVID-19 quốc gia cũng như với lãnh đạo các địa phương trên toàn quốc.
Quyết định áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ 3 trong thang cấp độ từ 1-5 nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của virus SARSC-CoV-2 trong khi vẫn duy trì hoạt động của nền kinh tế.
[Thái Lan ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau 2 tháng vì dịch COVID-19]
Bên cạnh đó, Tổng thống bổ sung bốn lý do dẫn đến đến quyết định áp dụng lệnh phong tỏa bao gồm việc chính phủ muốn giảm thiểu các nguy cơ lân lan từ những sự kiện có thể dẫn đến tình trạng siêu lây nhiễm, giảm tối đa sự tương tác không an toàn giữa người dân, đẩy mạnh việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch và giảm nguy cơ quá tải của các cơ sở y tế.
Ông Ramaphosa cho biết bắt đầu từ ngày 29/12 sau khi lệnh phong tỏa cấp độ 3 có hiệu lực, tất cả sự kiện có đông người tham dự sẽ bị cấm trong vòng 14 ngày, ngoại trừ việc tang lễ song số người tham dự không được vượt quá 50.
Ngoài ra, chính phủ nghiêm cấm các hoạt động mua bán đồ uống có cồn, đồng thời kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm từ 21 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Liên quan đến việc thực hiện các quy định về vệ sinh dịch tễ, ông Ramaphosa nhấn mạnh việc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng là bắt buộc và cá nhân nào không thực hiện có thể bị truy tố và bỏ tù tới sáu tháng.
Tính đến hết ngày 28/12, Nam Phi ghi nhận 1.011.871 ca mắc COVID-19 trong đó bao gồm 27.071 trường hợp tử vong. Nước này hiện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất châu Phi, bỏ xa các nước xếp liền sau như Morroco với 440.00 ca và Ai Cập với 131.000 ca.
Nghiêm trọng hơn, tốc độ lay lan virus SARS-CoV-2 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi đã tăng với cấp số nhân trong thời gian gần đây, từ 900,000 ca lên mốc 1 triệu chỉ trong vòng chín ngày, và trước đó đã tăng từ 800.000 lên 900.000 trưởng hợp trong vòng 2 tuần.
Liban đặt mua gần 2 triệu liều vắcxin của Pfizer
Bộ trưởng Y tế Liban, ông Hamad Hassan cho hay nước này đang đàm phán để đặt mua gần 2 triệu liều vắcxin do công ty Pfizer-BioNTech sản xuất, nhằm hỗ trợ chiến dịch chống COVID-19. Số vắcxin này đủ để tiêm phòng cho 20% dân số của Liban.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28/12, ông Hassan cho biết Chính phủ Liban đang đàm phán một hợp đồng với công ty Pfizer và vắcxin dự kiến sẽ được vận chuyển tới Liban trong tháng 2/2021.
Theo nghị sỹ Assem Araji, người đứng đầu ủy ban y tế thuộc Quốc hội Liban, giá một liều vắcxin là 18 USD, được cân nhắc trên cơ sở điều kiện kinh tế khó khăn của Liban. Thỏa thuận trị giá 27 triệu USD mang về cho Liban 1,5 triệu liều vắcxin, nhưng Chính phủ Liban đang tiếp tục đàm phán để đặt mua tổng số gần 2 triệu liều.
Liban sẽ đặt cọc 4 triệu USD tại thời điểm ký hợp đồng và hy vọng thanh toán phần còn lại bằng một khoản vay từ Ngân hàng Thế giới.
Bên cạnh đó, Liban cũng đã đặt mua 1,5 triệu liều vắcxin từ COVAX, với khoản tiền đặt cọc là 4,3 triệu USD.
Chính phủ Liban dự kiến sẽ tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19 miễn phí cho người dân nước này. Tuy nhiên, các bệnh viện và hiệu thuốc có thể triển khai dịch vụ tiêm phòng có thu phí theo kế hoạch riêng. Dân số Liban hiện có gần 6 triệu người./.